(VOV5) -Thủ tướng cho rằng vùng miền Trung-Tây nguyên đủ điều kiện phát triển các cụm ngành phát triển du lịch
Sáng 16/2, tại thành phố Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây nguyên. Hội nghị do Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, một số bộ, ngành địa phương phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các vị khách quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Khu vực miền Trung – Tây nguyên có 19 tỉnh, thành phố, dân số 24 triệu người, có gần 1.900km bờ biển trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Năm 2018, trong gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, hơn 80 triệu lượt khách nội địa, thì miền Trung – Tây nguyên chiếm 9,5 triệu lượt khách quốc tế và 56 triệu lượt khách nội địa.
Tại hội nghị các đại biểu nêu lên những giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung, trong đó việc đầu tiên là phải thúc đẩy liên kết phát triển du lịch theo vùng gắn với một cơ chế điều phối cấp vùng hiệu quả thay vì rời rạc như hiện nay. Các đại biểu cũng cho rằng cần nhanh chóng xem xét miễn thị thực và cấp thị thực điện tử một cách nhanh chóng. Giải pháp nữa là cần phát triển hệ thống thương mại phục vụ du khách, các dịch vụ giải trí vào đêm, các dịch vụ đáy biển thay vì chỉ mặt biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên. - Ảnh VGP/Quang Hiếu
|
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng miền Trung -Tây nguyên là nơi hội tụ hầu hết các tài nguyên thế mạnh của du lịch Việt Nam, như biển đảo, văn hóa lịch sử, núi rừng hang động, 11 di sản văn hóa thế giới, gần 2.000 km bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Với 47 dân tộc sinh sống, đã tạo bản sắc văn hóa đặc sắc cho cả vùng. Với những tài nguyên đó, Thủ tướng cho rằng vùng miền Trung-Tây nguyên đủ điều kiện phát triển các cụm ngành phát triển du lịch như cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng; cum ngành du lịch biển đảo; di sản, sinh thái khám phá đồi núi, hang động: “Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra còn có các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như tài chính ngân hàng, bảo hiểm; cung cấp các sản phẩm của địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, an ninh an toàn. Như vậy, một cách đặt vấn đề là phát triển cụm ngành đồng bộ chứ không phải lấy tài nguyên du lịch một cách đơn thuần. Tôi mong các địa phương hiểu một cách đầy đủ khái niệm này để phát triển bền vững ngành du lịch.”
Thông tin việc Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 24 nước, visa điện tử 57 nước, Thủ tướng cho biết vừa ký Nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước. Như vậy đến nay đã có 105 nước và vùng lãnh thổ Việt Nam áp dụng visa điện tử.