(VOV5) - Với rất nhiều nỗ lực, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp
Cán bộ ngành thủy sản kiểm tra thiết bị giám sát hành trình khai thác trên tàu cá trước khi ra khơi, tại cảng cá Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn. - Ảnh: TTXVN |
Bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, đại diện đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC), nhận xét trong hơn 10 ngày làm việc tại Việt Nam, Cá nhân bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC.
Bà Veronika Veits khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã nhìn rõ trách nhiệm của mình. Cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm quyết tâm mạnh mẽ chống khai thác bất hơp pháp…. Cùng với sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, thì sự vào cuộc của người dân là hết sức quan trọng để đảm bảo triển khai đồng nhất, hài hoà, toàn diện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.
Với rất nhiều nỗ lực, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU); trong đó có việc ban hành Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này.
Tại buổi đánh giá kết quả kiểm tra vào chiều ngày 15/11, đoàn kiểm tra châu Âu cũng đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU đối với thuỷ sản Việt Nam. Muốn vậy, đội tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24 m, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị.