(VOV5) - Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước.
Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đưa ra tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, diễn ra sáng nay (29/12), tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV và năm 2023. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Tính chung cả năm 2023, GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt khoảng 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 4.200 USD.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đã đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Thống kê nhận định năm 2024, kinh tế - xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước. Do đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.