Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2022: “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”

(VOV5) - Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”.

Tối 11/6, tại Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”.

Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2022: “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: TTXVN

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay (từ ngày 01 đến 08 tháng 6) có chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016  -2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố , đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, mỗi hành động dù nhỏ nhất vì biển và đại dương chính là bảo vệ, bảo tồn và phát triển tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau: “Thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đây tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển”.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển phải lấy kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kinh tế địa phương sau đại dịch; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành/lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển chủ đạo: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Trọng tâm là Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác