Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (Bình Định) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(VOV5) - Việc được ghi danh góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.

Sáng nay (12/9), Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón Bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (Bình Định) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1Trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" cho Đảng bộ, chính quyền huyện Phù Cát. Ảnh: TTXVN

Cát Tường, huyện Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km. Làng nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Thuở xưa, nón ngựa Phú Gia được sản xuất dành riêng giới phong lưu, quyền quý sử dụng trong lúc cưỡi ngựa. Hiện nay, rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu làng nghề nón ngựa Phú Gia.

Ông Đỗ Văn Lang (75 tuổi), người có thâm niên hơn 6 thập kỷ làm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, bày tỏ niềm vui khi Nghề chằm nón ngựa Phú Gia trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: "Bà con ở làng nón ngựa Phú Gia rất vui vừng. Đây sẽ là động lực lớn cho gia đình tôi và tất cả mọi người xung quanh thôn Phú Gia này để chúng ta phát triển, phát huy và sáng tạo những chiếc nón đẹp hơn nữa để bảo tồn làng nghề nón ngựa Phú Gia mãi mãi."

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cho biết việc công nhận, ghi danh Nghề chằm nón ngựa Phú gia, xã Cát Tường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này: "Chúng tôi sẽ có một kế hoạch chi tiết về duy trì sản xuất và quảng bá làng nghề. Sắp tới, huyện Phù Cát sẽ cùng với bà con cũng như địa phương mở rộng quy mô làng nghề trên cơ cơ sở duy việc truyền nghề, đào tạo nghề như lâu nay. Ngoài ra, huyện Phù Cát sẽ hình thành một khu trưng bày các sản phẩm của làng nghề nón ngựa Phú Gia."

Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định để nghề chằm Nón ngựa Phú Gia phát triển tốt hơn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao công tác bảo tồn, gắn kết việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống vơi phát triển kinh tế, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác