(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, quy định, bao gồm cả việc bổ sung các quy định liên quan đến vấn đề IUU vào các văn bản pháp quy để thực thi.
Ngày 9/5, trang tin Globalpolicyjournal đăng bài viết cho rằng Việt Nam đang nhanh chóng áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cảnh báo "thẻ vàng" đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bài viết nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết IUU có thể sẽ trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN.
Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngư nghiệp là một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 2006, Việt Nam đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU chiếm từ 1,9 - 2,2 tỷ USD và sang Mỹ khoảng 350 - 400 triệu USD mỗi năm. Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản Việt Nam cùng VASEP đã yêu cầu tất cả các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp hành động tuân thủ các chính sách liên quan đến việc đánh bắt và phát triển tàu cá. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Thủy sản sửa đổi trong đó có các nội dung quy định về vấn đề IUU. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ và loại trừ đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát. Hơn 62 công ty sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam cũng đã nghiêm túc thực thi nhằm đảm bảo các hoạt động đánh bắt cá bền vững. Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, quy định, bao gồm cả việc bổ sung các quy định liên quan đến vấn đề IUU vào các văn bản pháp quy để thực thi, tổ chức các cuộc hội thảo nhằm giáo dục ngư dân đồng, thời tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển khác để ngăn chặn IUU, thường xuyên tổ chức đối thoại với EU nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá.
Theo Globalpolicyjournal, Việt Nam đã và đang giải quyết vấn đề IUU một cách chủ động, bao gồm cả việc thành lập bộ phận thanh tra kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá với sự tham gia của nhiều thành viên nguyên là thuyền trưởng các tàu cá. Theo bài viết, Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp các dữ liệu liên quan đến các tàu cá bao gồm đăng ký, giấy phép, nhật trình, đồng thời đồng bộ hóa phần mềm quản lý (VNFISHBASE) tại 8 tỉnh duyên hải. Ngư dân cũng cần được tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về các quy định đánh bắt cá liên quan.