Phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân

(VOV5) - Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội và nhiều điểm cầu trên cả nước, nhằm triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng này. Hội nghị do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tổ chức

Phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nêu rõ nhân dân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, việc xây dựng và ban hành và sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp đều lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đây là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự, tạo điều kiện để người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến đối với bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp: “Lấy ý kiến nhân dân là công việc hệ trọng, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân, do đó cần triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác  truyền thông. Cần phải nhận thức rằng để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành một cách thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ,  đặc biệt ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện nâng cao chất lượng của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này”.

Đề cập công tác tuyên truyền, vận động tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TW, nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến nhân dân được triển khai trên phạm vi rộng và thành phần tham gia đa dạng với những đặc điểm về vùng, miền, dân tộc, nghề nghiệp, giới tính, bằng mọi khả năng thực tế cần tạo điều kiện để nhân dân có nhiều lựa chọn phương thức thể hiện ý kiến đóng góp. Song song với đó là có cách tiếp nhận ý kiến nhanh nhất, đầy đủ, trung thực nhất. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ là đối với người dân trong nước mà còn đối với cộng đồng người Việt nam sinh sống ở nước ngoài. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai các giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt nam ở nước ngoài để xây dựng một bản Hiến pháp thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt nam”.

 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2/1 đến 31/3/2013, thông qua các hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng…. Những ý kiến này sẽ được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tổng hợp, trình Quốc hội vào cuối tháng 5/2013./.    


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác