Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài

(VOV5)- Hôm nay (20/5), tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 1

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của dân tộc Việt Nam. 10 năm qua, thực hiện nghị quyết 36 của Bộ chính trị và các chủ trương chính sách của nhà nước, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp các ngành, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, nêu rõ: Chính phủ đã và đang có những cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích bà con hướng về quê hương, đất nước. “Cần coi trọng nguồn lực của cộng đồng, xóa bỏ mọi rào cản giữa đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài trong xây dựng chính sách; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn thuận lợi hơn cho bà con về nước đầu tư, kinh doanh và định cư; tạo thuận lợi và khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước trong phạm vi của mình; hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với kiều bào có công với nước.”

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài - ảnh 2

Tại hội nghị, nhiều đại biểu mong muốn Đảng và Nhà nước cụ thể hóa các chính sách về đầu tư, thủ tục xuất nhập cảnh, được mua nhà ở, đất đai… và đặc biệt là Luật quốc tịch, nhằm tạo thuận lợi khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Mới đây, chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp  gia hạn thời gian để Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm, đến ngày 1-7-2019. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn thời gian dài hơn nữa hoặc bỏ hoàn toàn thời hạn đăng ký quốc tịch.

Ông Dương Chí Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp nêu ý kiến: “Về mặt tư cách pháp lý, Quốc tịch của một con người không thể trong một giai đoạn và nếu không đăng ký thì bị mất quốc tịch. Tôi nghĩ không chỉ gia hạn 5 năm mà có thể là 5 năm nữa bởi vì còn nhiều bà con ở xa xôi hẻo lánh. Mặc dù họ biết chính sách của chúng ta nhưng họ không có điều kiện để đăng ký”.

Trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng nhanh về số lượng, từ khoảng 2,7 triệu người năm 2004 đến nay có gần 4,5 triệu người, nguồn lực từ Kiều bào được đánh giá là rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/ năm. Năm 2013  đạt gần 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất. Những con số này còn có thể cao hơn nữa nếu biết cách tận dụng và khai thác nguồn lực kiều bào.

Các đại biểu cũng cho rằng: Trong bối cảnh tình hình thế giới luôn có những diễn biến mới và Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần gắn kết và phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, việc quán triệt thực hiện Nghị quyết 36 phải được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành và toàn xã hội để cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng cảm thông sâu sắc và gắn bó mật thiết với đất nước, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác