(VOV5) - Kết quả cho thấy trẻ em Việt Nam trong nhóm tuổi từ 5 - 8 vượt bạn đồng lứa ở các nước khác.
Theo bài báo, học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt trên thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tính tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà còn so với cả học sinh ở các quốc gia phát triển giàu có như Anh và Canada. Điểm số của học sinh Việt Nam không cho thấy sự bất bình đẳng về giới tính và vùng miền, vốn phổ biến ở các quốc gia khác.
Tờ The Economist của Anh vừa có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và năng lực giáo viên tốt. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục thời đại |
Bài báo đề cập đến một nghiên cứu năm 2020 của ông Abhijeet Singh tại Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển), về kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau được các học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam làm. Kết quả cho thấy trẻ em Việt Nam trong nhóm tuổi từ 5 - 8 vượt bạn đồng lứa ở các nước khác. Bài báo nhận định trường học Việt Nam, không giống như ở các nước đang phát triển khác, cải thiện theo thời gian. Giáo viên Việt Nam cũng được quản lý tốt, được đào tạo thường xuyên, được khuyến khích làm cho các lớp học hấp dẫn hơn.
Theo bài báo, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng quan tâm sâu sắc tới giáo dục và đảm bảo các chính sách được điều chỉnh để cập nhật chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Các tỉnh được yêu cầu dành 20% ngân sách cho giáo dục, giúp đảm bảo công bằng khu vực. Xã hội nói chung cũng chia sẻ quan điểm đề cao giáo dục do các gia đình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Các gia đình không khá giả cũng sẵn lòng đầu tư về giáo dục cho con em.