Từ 1/7/2013, nhiều Luật có hiệu lực thiết thực đối với người dân

(VOV5) - Từ ngày 1/7/2013, 9 Luật và 2 Nghị định liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân sẽ có hiệu lực thi hành. Luật Thủ đô với các quy định siết chặt hơn việc nhập cư và các quận nội thành và quy định Thủ đô được huy động vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu. Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng. Luật Xử lý vi phạm hành chính với quy định mới là cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với các tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với nội dung quy định giá bán lẻ điện, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, quy hoạch điện lực… 4 Luật nữa là có hiệu lực từ 1/7 là: Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật hợp tác xã và Luật Xuất bản.


Từ 1/7/2013, nhiều Luật có hiệu lực thiết thực đối với người dân  - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Ảnh: laodong)

Hai Nghị định Chính phủ cũng có hiệu lực từ 1/7/2013. Đó là: Nghị định của Chính phủ quy định về phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ xử phạt những loại phương tiện giao thông phải lắp hộp đen kiểm soát hành trình xe; Nghị định Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.150.000 đồng/tháng.

Chiều 1/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Lễ mít tinh Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân”. Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện có hiệu quả 3 mục tiêu của Đề án tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vừa được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến 2020 tỷ lệ này là 80%. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; trong đó kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những hạn chế, bất cập để chính sách Bảo hiểm y tế ngày càng phù hợp với đòi hỏi thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Đối với cơ chế, chính sách mở rộng diện tham gia Bảo hiểm y tế, cần chú ý quan tâm đến những đối tượng như nông dân, ngư dân, người có thu nhập dưới mức trung bình, người lao động tự do. Đối với cơ chế, chính sách chi trả, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cần chú ý quan tâm đến thủ tục hành chính, thái độ, y đức và chất lượng khám chữa bệnh.”

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác