Việt Nam đã loại trừ được 220 triệu tấn CO2 từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone

(VOV5) - . Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 – 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna

Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone cách đây 30 năm. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2024 – 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal”, tổ chức sáng nay (16/09), tại Hà Nội.

Việt Nam đã loại trừ được 220 triệu tấn CO2 từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone - ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn 

Tại Hội thảo, tham luận của nhiều diễn giả đều có chung nhận định sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm cao, đã nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong 30 năm qua, Việt Nam đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ tầng ozone, trong đó, các doanh nghiệp sản xuất xốp, điều hòa không khí, thiết bị lạnh không còn sử dụng chất làm suy giảm tầng ozone trong hoạt động sản xuất; việc nhập khẩu, tiêu thụ các chất được kiểm soát theo lộ trình; chất Methyl Bromide chỉ được sử dụng cho mục đích kiểm dịch và khử trùng trong nông nghiệp.

Việt Nam đã loại trừ được 220 triệu tấn CO2 từ khi tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành, phát biểu tại hội thảo. baotainguyenmoitruong.vn

Nhờ các nỗ lực đó, theo thống kê được Ban Thư ký ozone quốc tế (Ozone Secretariat) công bố tại kỳ họp tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 (carbon dioxide) tương đương từ khi tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Tại Hội thảo, Bà Megumi Seki, Thư ký điều hành, Ban Thư ký ozone quốc tế, đánh giá các giải pháp làm mát bền vững đã được Việt Nam lồng ghép vào các chương trình và hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và được kiểm soát chặt chẽ.  

Theo lộ trình được chính phủ thông qua, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành, để hoàn thành lộ trình đó, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều hành động quyết liệt: “Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, cải thiện hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal; triển khai mô hình áp dụng công nghệ làm mát bền vững, kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác