Việt Nam tạo sự đột phá để trở thành nước có thu nhập cao

(VOV5) - Khi Việt Nam đã đạt đến trình độ phát triển kinh tế, để tiếp tục tiến bước thành nước có thu nhập cao hơn cần phải có sự đột phá trong chính sách.

Sáng 27/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, thông qua Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việt Nam tạo sự đột phá để trở thành nước có thu nhập cao   - ảnh 1

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững”. (Ảnh: Thu Giang)

Tại đây, Trưởng ban Kinh  tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Từ năm 2008 Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thiếu bền vững… Chính vì vậy khi Việt Nam đã đạt đến trình độ phát triển kinh tế, để tiếp tục tiến bước thành nước có thu nhập cao hơn cần phải có sự đột phá trong chính sách. Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”.

Việt Nam tạo sự đột phá để trở thành nước có thu nhập cao   - ảnh 2Đại sứ Australia Craig Chittick phát biểu. (Nguồn: Internet)

Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Quý 1 năm nay Việt Nam có mức GDP tăng trưởng 5,1%, vì vậy, cả năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6,3%. Đây là kết quả khá khả quan của nền kinh tế: “Về bản chất những lĩnh vực là động lực của nền kinh tế Việt Nam rất ổn định. Về các giải pháp dài hạn, Việt Nam cần đầu tư các vấn đề về tổng cung, cải cách mô hình kinh tế, cải cách cấu trúc nền kinh tế, làm thế nào khu vực tư nhân phát triển, phát triển thị trường vốn, tín dụng và thị trường tài chính”.

Các đại biểu tham dự diễn đàn có đánh giá toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nêu rõ những khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2017 và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác