(VOV5) - CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm hợp tác mạnh mẽ của các nước trong khu vực.
Người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng |
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 4/2, theo hình thức trực tuyến, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Anh khi nước này muốn tham gia vào Hiệp định khu vực quan trọng này.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm hợp tác mạnh mẽ của các nước trong khu vực. Các nước thành viên đã thống nhất quy trình gia nhập, các nền kinh tế khác muốn gia nhập phải đáp ứng quy trình này. Anh là đối tác quan trọng của các thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Anh và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tham vẫn CPTPP với Anh".
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc bà Trần Tố Nga (78 tuổi, người Pháp gốc Việt) được một toà án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện cáo buộc 14 công ty bán chất độc da cam đã gây ra tổn hại đau đớn cho bà và các con, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da dam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hoá chất và sản xuất, thương mại chất độc da dam/dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Việt Nam cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam".
Cũng trong cuộc họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế về các vấn đề trên biển.
"Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và chia quan điểm như đã nêu trong tuyên bố tại HNCC ASEAN 36 và AMM 53 rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển. Với tinh thần đó, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam luôn có trách nhiệm đóng góp vào quá trình này".
Trước việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh và có hiệu lực từ mùng 1 tháng 2 năm 2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh:
"Việc ban hành và triển khai văn bản quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải tuân thủ các điều luật quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là UNCLOS. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam sẽ kiên trì, kiên quyết các biện pháp phù hợp để bảo vệ các quyền hợp pháp chính đáng đó".
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phản ứng của Nhật Bản và Anh mới đây bày tỏ quan ngại sâu sắc đến tình hình Biển Đông cũng như việc sẽ điều tàu sân bay đến vùng biển này, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, an toàn an ninh tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tôn trọng thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước về luật biển năm 1982. Hoạt động của các bên cần đóng góp vào mục tiêu chung này.