Báo chí, truyền thông với quyền con người

(VOV5) – “Báo chí, truyền thông với quyền con người” là chủ đề hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/2 tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có đại diện nhiều cơ quan báo chí, Ngân hàng thế giới, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các chuyên gia, diễn giả Việt Nam và quốc tế.

Báo chí, truyền thông với quyền con người - ảnh 1
Ảnh: Internet

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, nêu rõ thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, giới thiệu các thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực hiện, bảo vệ quyền con người. Trong đó có việc tham gia thực hiện tích cực các Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về quyền con người; Công ước về xóa bỏ hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với phụ nữ. Báo chí, truyền thông Việt Nam luôn là diễn đàn để nhân dân bày tỏ quan điểm, ý kiến về nhiều lĩnh vực trong đời sống, chính trị, kinh tế-xã hội, đóng góp vào việc xây dựng đất nước.

 Các ý kiến tại hội thảo cho rằng để phát huy tốt hơn vai trò của mình trong truyền thông về quyền con người, các cơ quan báo chí cần phản ánh và cổ vũ kịp thời những thành tích nổi bật trong việc thực hiện quyền con người trên các mặt đời sống xã hội; tích cực phát hiện và thông tin kịp thời các hành vi xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, giúp các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý kịp thời; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cũng như nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Nhà báo Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân, nêu ý kiến: “Thực tế phát triển xã hội ở Việt Nam những vấn đề về quyền con người đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Trong việc tuyên truyền và thực hiện quyền con người hiện nay theo tôi rất cần tập trung vào những quyền cơ bản của người dân, chẳng hạn như quyền về kinh tế, sở hữu tài sản, đất đai hoặc các quyền sở hữu.  Quốc hội và các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng và sửa đổi luật này.”

Báo chí, truyền thông với quyền con người - ảnh 2

Việt Nam hiện có hơn 780 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân và thông tin đối ngoại. Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác