Bảo vệ chủ quyền của tổ quốc đồng thời với với phát triển kinh tế, xã hội

(VOV5) - Hôm nay (29/5) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội cũng như thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình biển Đông; chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bảo vệ chủ quyền của tổ quốc đồng thời với với phát triển kinh tế, xã hội - ảnh 1



Các thành viên Chính phủ nhất trí với đánh giá: tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và tính chung 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là các chỉ số đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như: chỉ số tiêu dùng tháng 5 tăng 0,2%, thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây; xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt trên 58 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách, tổng phương tiện thanh toán, tín dụng đối với nền kinh tế đều tăng cao…


Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn ở mức khá cao. Nổi lên tại một số địa phương xuất hiện biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trong đó một số người đã bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.


Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh…đã chỉ đạo, ngăn chặn kịp thời và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm kiên trì đấu tranh quyết liệt bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hòa bình thông qua nhiều hình thức, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời duy trì quan hệ chính trị, kinh tế, bình thường với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, cả thế giới này là một nền kinh tế, một thị trường, Trung Quốc cũng là thành viên WTO, Việt Nam cũng là thành viên WTO, rồi Trung Quốc với Việt Nam có Hiệp định chung là Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Hơn nữa Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam là láng giềng ….Trong bối cảnh này thì việc hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc về kinh tế, thương mại là tất yếu, là khách quan, là bình thường. Đây là quan hệ hai bên cùng có lợi, quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Việt Nam tiếp tục giữ bình thường để cùng có lợi, cùng phát triển.


Cùng với tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu từng bộ, từng ngành và các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cụ thể cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tập trung tăng tổng cầu kinh tế thông qua giải ngân kịp thời các nguồn vốn đầu tư công.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến mang tính nguyên tắc xây dựng Nghị định của Chính phủ về một số chính sách và giải pháp phát triển thủy sản đến năm 2020 theo tinh thần tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng các hạ tầng thiết yếu như: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản tập trung, đầu tư trạm bờ, trang thiết bị đầu cuối trên các tàu cá xa bờ…đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi cả về lãi suất, ân hạn để đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với chất liệu vỏ thép hoặc vật liệu mới nhằm hiện đại hóa đội tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần.

Các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…./.

Phản hồi

Các tin/bài khác