Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hoà giải ở cơ sở

(VOV5)- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật hoà giải ở cơ sở.

Dự thảo Luật hoà giải ở cơ sở gồm 5 chương, 30 điều, trong đó quy định về hoà giải viên và tổ hoà giải; hoạt động hoà giải ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết nâng Pháp lệnh hoà giải thành Luật hoà giải ở cơ sở. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Thực tế cho thấy cơ chế hoà giải hiện hành đã và đang phát huy tác dụng và đã tương đối ổn định. Hơn nữa, hoà giải ở cơ sở là hoạt động mềm dẻo, thể hiện sự tự nguyện, tự giác và uy tín của người tham gia hoà giải. Do vậy, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, không nên luật hoá, hành chính hoá hoạt động này:“Khi ở cơ sở xảy ra vụ việc thì chỉ cần một người có uy tín đến vận động, giải thích, giải quyết thôi. Có những vụ việc lại chưa cần đến tổ hoà giải này mà do tổ chức đoàn thể và hội viên tự đến giải thích. Nó rất mềm dẻo là ở chỗ đó. Trong luật lại còn có quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoà giải. Hoà giải là vận động, giải quyết, giải thích mà giờ còn kiểm tra xử lý vi phạm thì ai dám làm việc này nữa. Cho nên tôi nghĩ pháp lệnh không có vấn đề gì cần thiết phải nâng thành Luật cả”.

Các đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần quan tâm, bổ sung một số quy định, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức khác trên địa bàn dân cư.

Buổi chiều, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, cho ý kiến về việc bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ 2011-2015 và một số vấn đề về công tác xây dựng ngành./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác