Bảo tồn và phát triển môn thể thao dân tộc đẩy gậy

(VOV5) - Đẩy gậy vừa là môn thể thao truyền thống vừa là trò chơi dân gian, thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân, trong những ngày Tết, dịp lễ hội, các ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc thiểu số. Môn thể thao này đã góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc. 

Bảo tồn và phát triển môn thể thao dân tộc đẩy gậy - ảnh 1
Môn đẩy gậy thể hiện sức mạnh của vận động viên (Ảnh: TTXVN)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đẩy gậy là môn thể thao dễ chơi, cần đến sức khỏe và sự khéo léo, dẻo dai của người chơi trong cuộc đấu tay đôi với đối thủ. Để tổ chức thi đấu môn đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre hay gỗ tốt có chiều dài 2m, được sơn 2 màu đỏ và trắng, khi chơi hay thi đấu người ta vẽ một vòng tròn có đường kính 5m có vạch giới hạn phân chia hai người chơi nằm trong phạm vi của sân. Theo quy định luật chơi, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra từ 2 đến 3 hiệp.

Bảo tồn và phát triển môn thể thao dân tộc đẩy gậy - ảnh 2
Phụ nữ Sán Chỉ trong trò chơi đẩy gậy

Từ trò chơi được đồng bào dân tộc sáng tạo để vui chơi, giải trí, dần dần trò đẩy gậy đã trở thành một trong những môn thể thao độc đáo thu hút nhiều người tham gia. Môn thể thao này ngoài tăng cường thể lực còn giúp người chơi rèn luyện tinh thần, nâng cao ý chí bản thân. Nữ vận động viên Phạm Thị Huyền, ở tỉnh Bắc Giang, người đã 8 lần tham gia giải vô địch đẩy gậy toàn quốc, chia sẻ: 
“Trước đây khi tôi học võ thầy cũng dạy luôn cả đẩy gậy. Lúc đầu chỉ nghịch chơi thôi sau thấy vui, thích và học. Tôi chơi môn thể thao này là để góp phần giữ gìn môn thể thao của dân tộc”.

Hiện nay, môn thể thao đẩy gậy không chỉ phát triển tại các tỉnh miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu… mà đã phát triển ra các thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào chương trình thi đấu các giải thể thao phong trào, nhất là các giải thể thao ở trường học. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: 
“Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trung tâm thể thao quận, huyện đều quan tâm, đầu tư đưa môn đẩy gậy vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng thành phố. Chúng tôi cũng đưa môn này về cho các trường học trên toàn thành phố. Nếu không bảo tồn và phát huy thì dần dần môn thể thao này sẽ mai một đi”.

Bảo tồn và phát triển môn thể thao dân tộc đẩy gậy - ảnh 3
Ảnh: Báo Bắc Giang

Để duy trì và phát triển phong trào đẩy gậy, một số địa phương đã bước đầu đưa môn đẩy gậy vào hệ thống các môn thi đấu thể thao thành tích cao, mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi đấu thể thao. Bên cạnh đó, thế hệ đi trước tăng cường truyền dạy kinh nghiệm và kỹ thuật thi đấu cho thế hệ sau. Giải thể thao các dân tộc thiểu số quy mô toàn quốc cứ 2 năm được tổ chức một lần, trong đó lấy môn đẩy gậy là môn thể thao chính trong chương trình thi đấu. Đặc biệt, môn thể thao đẩy gậy đã được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng các cấp và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc cũng được tổ chức hàng năm, nhằm tuyển chọn, bồi dưỡng những vận động viên trẻ có tố chất và góp phần phát triển sâu rộng môn thể thao dân tộc tại các địa phương. Ông Phạm Đông Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục Thể thao), cho biết: 
“Tổng cục Thể dục Thể thao đã ban hành Luật thi đấu đẩy gậy và được các địa phương hưởng ứng. Đẩy gậy phát triển trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và trong những dịp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thì nhiều địa phương đưa môn đẩy gậy vào trong chương trình thi đấu. Thời gian tới, chúng tôi khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc thiểu số đồng thời phổ biến trong cộng đồng.”

Môn thể thao dân tộc đẩy gậy ngày càng được sự quan tâm của ngành thể dục thể thao. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ nhân dân hướng về cội nguồn, nâng cao sức khỏe để lao động, sản xuất, học tập. Việc bảo tồn và phát triển môn đẩy gậy nói riêng và các môn thể thao dân tộc khác nói chung, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, khuyến khích thế hệ trẻ yêu thích, tập luyện đề môn thể thao dân tộc đẩy gậy phát triển sâu rộng, bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác