Dân ca và chuyện gìn giữ bảo tồn dân ca của người Sán Chỉ

(VOV5) - Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên dải đất hình chữ S từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, người Sán Chỉ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo. 


Trong đó, dân ca Sán Chỉ có một giá trị riêng biệt, như một mạch nguồn văn hóa, nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần người Sán Chỉ từ lúc lọt lòng đến lúc từ giã cuộc đời. Ngày nay, dù bị tác động và ảnh hưởng của nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ  hiện đại nhưng dân ca Sán Chỉ vẫn được bảo tồn và và có sức sống lan tỏa trong đời sống dân cư. 


Nghe nội dung bài viết tại đây:
 



Dân ca và chuyện gìn giữ bảo tồn dân ca của người Sán Chỉ - ảnh 1

Hát dân ca trong ngày hội đại đoàn kết

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Dân ca Sán Chỉ (“Cnắng cọô”) là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có lịch sử lâu đời của người Sán Chỉ. Đây là lối hát đối đáp nam nữ gần giống như hát ví, hát trống quân, hát quan họ của người Kinh và các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng. Không có tài liệu ghi rõ dân ca Sán Chỉ có từ khi nào, chỉ biết rằng, dân ca Sán Chỉ được truyền dạy và duy trì trong đời sống của nhiều thế hệ người Sán Chỉ qua nhiều đời. Tự hào về những giai điệu dân ca của dân tộc mình, ông Trần Văn Thủy, một trong những danh ca của dân tộc Sán Chỉ ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết: “Nội dung chính của bài hát dân tộc Sán Chỉ là hát đám cưới, hát lấy nhau, hát yêu nhau, hát mừng thọ, chúc thọ, mừng tặng nhau. Hát Sán Chỉ có 3, 4 giai điệu. Hát ngày- hát chậm.  Hát đêm, sau nữa là hát lễ cưới, lễ ăn hỏi, mừng tuổi, chúc thọ. Hát mừng tuổi, hát đổi tên, Hát đám cưới mừng gia đình lấy được con dâu mới”.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, người Sán chỉ còn lưu giữ được  khoảng từ 300 - 500 bài ca viết bằng chữ Hán thể loại hát ban ngày; 700 – 1000 bài hát đêm và 100 bài hát đám cưới.


Dân ca Sán Chỉ không chỉ phổ biến trong thanh niên nam nữ mà cả lớp trung niên và người già cũng rất say mê hát, bởi nó là phương tiện gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước vọng của những người Sán Chỉ. Năm 2012, Dân ca Sán Chỉ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù vậy số người biết hát và hiểu được nội dung của dân ca Sán Chỉ không nhiều dù ngay tại địa phương xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, các cơ quan tổ chức chính quyền cũng đã ý thức và triển khai công tác bảo tồn dân ca Sán Chỉ. Ông Lý Hồng Viên, Trưởng ban Mặt trận tổ quốc thôn Họ, xã Kiên Lao, cho biết:  “Chúng tôi được nhà nước công nhận tiếng hát Sán Chỉ, di sản phi vật thể cấp quốc gia. Chúng tôi giữ gìn bản sắc dân tộc tốt.Mặt trận tuyên truyền vận động bà con nhân dân tổ chức câu lạc bộ duy trì bản sắc dân tộc, tuyên truyền ở mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân giữ gìn bản sắc dân tộc để về sau ai cũng hát được dân ca. Tỷ lệ những người từ 30 tuổi trở lên là những người biết hát. Trong thôn có một số nghệ nhân dạy cho các cháu như dạy tiếng hát sán chí để giữ gìn bản sắc dân tộc. Hiện nay thu hút chưa đông nhưng sẽ lôi cuốn nhiều cháu tham gia”.



Ý thức được giá trị và bản sắc trong hát dân ca của dân tộc mình, ông Trần Văn Thủy cho biết, từ 1982 đến nay, ông đã tham gia đi biểu diễn, giới thiệu hát dân ca Sán Chỉ ở nhiều nơi, từ Bắc vào Nam. Không những thế, ông mở lớp dạy hát dân ca miễn phí cho thanh thiếu niên trong thôn với mong muốn mòn mỏi là được truyền dạy hết khả năng và hiểu biết về dân ca Sán Chỉ mà ông đã tích lũy, học hỏi được từ thế hệ đi trước cho thế hệ tiếp nối. Ông Thủy tâm sự: “Tôi đi rất nhiều thấy các dân tộc khác hát rất hay, và về ngẫm nghĩ nếu mình không bảo tồn nhanh thì cội nguồn dân tộc mình sẽ mất. Các dân tộc này hầu như từ 40 tuổi trở đi mới biết hát. Do vậy tôi muốn dạy một lớp học tại thôn Họ để bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Chí. Tôi tuổi sức có hạn nên muốn mọi người cùng quan tâm, có con cháu quan tâm tới dân ca sán chí thì tôi sẽ dạy miễn phí tại nhà tôi, để sau này thay tôi đi giao lưu với các bạn bè dân tộc khác. Năm 2014 tôi dạy một lớp có 7, 8 cháu tại nhà tôi. Năm nay tôi cũng muốn mở thêm lớp nữa, vào dịp nghỉ hè. Các cháu học vào ngày hè”.



Cũng theo ông Trần Văn Thủy, học hát dân ca Sán Chỉ không phải đơn giản, dễ dàng. Phải là người đam mê lời ăn tiếng nói của dân tộc và có ý chí mới học được. Bởi vì hiện nay, đa số người dân Sán Chỉ biết tiếng mà không hiểu hết nghĩa. Phải giải nghĩa kĩ càng mới hiểu được. Hơn nữa, dù dạy hát dân ca miễn phí, song vẫn còn một số người có nhận thức hạn chế về mục đich bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Sán Chỉ, do đó tỉ lệ lớp thanh niên theo học dân ca Sán Chỉ không được như mong đợi và đúng tâm nguyện của người muốn truyền dạy: Dân ca là một nét sinh hoạt văn hoá phong phú, hấp dẫn, được kết tinh trong quá trình lao động, sản xuất và sinh sống của nhiều thế hệ người Sán Chỉ. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, dân ca luôn là nguồn mạch lớn nhất đối với cộng đồng người Sán Chỉ. Ông Trần Văn Thủy cũng như nhiều người Sán Chỉ khác luôn đặt niềm tin lớn vào nguồn mạch văn hóa của dân tộc của mình: “Người Sán Chỉ còn thì dân ca còn, đó là niềm tin của một dân tộc”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác