Cảm xúc về chương trình nghệ thuật “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”

(VOV5) - Những ngày tháng 6 năm 1957, người dân Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại, nhân dân huyện Nam Đàn và cả tỉnh Nghệ An lần đầu tiên được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê sau nhiều năm xa cách.

Khi ấy, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, trong bộ quần áo ka ki bạc màu, đôi dép cao su mòn gót, tươi cười vẫy chào nhân dân đang chờ đón. Chương trình nghệ thuật “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê (16/6/1957-16/6/2017), diễn ra tại Nghệ An đong đầy cảm xúc của các nghệ sỹ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam về sự kiện đặc biệt này.

 Cảm xúc về chương trình nghệ thuật “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” - ảnh 1
Lãnh đạo các Bộ, nan, ngành Trung ương và địa phương đến tham dự chương trình "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác". 

Toàn tâm toàn ý lo cho đất nước, cho nhân dân, sau nửa thế kỷ rời xa quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm nơi chôn rau cắt rốn ở quê hương Nghệ an. Tình cảm da diết với quê hương, hơn hết là nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã truyền lửa cho các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật, cho biết: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” nhớ lại sự kiện cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, bằng những bài hát đi cùng năm tháng, bằng cách bố trí sân khấu, bằng cách dựng chương trình nghệ thuật để thể hiện được tình cảm của Bác với quê hương, tình cảm của quê hương với Bác. Những người làm chương trình mong muốn đây là chương trình đặc sắc, tạo được dấu ấn, sự rung cảm thẩm mỹ, đặc biệt là tình cảm sâu xa trong lòng của những người Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những người con quê hương Bác với Bác kính yêu".

 Cảm xúc về chương trình nghệ thuật “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” - ảnh 2
Ca sĩ Phạm Phương Thảo thể hiện ca khúc "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác". 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương xứ sở, dẫu cho trong trái tim Người những xúc cảm về quê hương, gia đình luôn dạt dào, sâu nặng. Các nghệ sĩ, ca sỹ biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê dồn tất cả tâm huyết của mình để ngợi ca tình cảm, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những tình cảm mà quê hương dành cho Người. Các bài hát, tiết  mục trong “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” được các nghệ sĩ tỷ mỉ sáng tạo thật bình dị, gần gũi nhưng dạt dào tình cảm, lay động trái tim. Nghệ sĩ ưu tú Hồng Dương, người xây dựng hoạt cảnh “Bác Hồ về thăm quê”, tâm sự:  "Chủ tịch Hồ Chí Minh xa quê từ lúc nhỏ mà bây giờ trở về khi tóc đã bạc rồi, nhìn lại những kỷ niệm thời ấu thơ, nơi đó có những hơi ấm, có những tình cảm của cha của mẹ, của anh, của chị, của làng xóm, của quê hương. Biểu diễn bằng cảm xúc của diễn viên, hình thể của diễn viên trên nên bài hát chứ không có lời, đòi hỏi diễn viên phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ, tình tiết thật đắt và đặc biệt là phải truyền cảm được cho khán giả tình cảm sâu sắc của Bác với quê hương, với đất nước và đặc biệt là với con người xứ Nghệ".   

 Cảm xúc về chương trình nghệ thuật “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” - ảnh 3
Hình ảnh tái hiện nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy 3 chị em Bác học.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, hơn 100 nghệ sỹ diễn viên đã vô cùng cố gắng để “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” diễn ra thành công. Các nghệ sĩ không chỉ hát lên những lời ca bất hủ, đi cùng năm tháng, như “Từ làng Sen”, “Tiếng hát giữa rừng Pác – Bó”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Em mơ gặp Bác Hồ”… mà còn đem đến những nhạc phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng. Đó là bài hát “Nhớ ngày Bác về thăm quê” của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Nhà thơ Phan Huyền Thư, tác giả kịch bản chương trình “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, chia sẻ: "Bài hát mượn hương thơm của bông hoa sen để nói về tình cảm của quê hương dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quê hương cũng như rất nhiều người dân Việt Nam dành cho Bác. Đây cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội, có duyên với quê hương Bác Hồ, có duyên với Nghệ An, tôi mạnh dạn lấy bài hát trong cặp di cảo của bố tôi để bài hát lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng". 

 Cảm xúc về chương trình nghệ thuật “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” - ảnh 4
Hoạt cảnh "Bác Hồ về thăm quê". 

Không sử dụng những thước phim tư liệu quen thuộc, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” tái dựng hình ảnh, sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê qua cách bài trí sân khấu, hoạt cảnh trên nền chất liệu dân ca xứ Nghệ, qua đó đưa đến cho khán thính giả những cảm xúc chân thật, sâu lắng nhất. Đạo diễn chương trình “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, nghệ sĩ Phạm Việt Thanh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên được tham gia chương trình kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Làng Sen, quả thật là chương trình có sự đặc biệt. Bác đi khắp phương trời mới về thăm quê, những năm để tóc trái đào đi theo cha vượt đèo Ngang vào Huế cho đến khi giành lại được đất nước rồi mới về thăm quê, thăm bạn bè".

Khán thính giả của chương trình nghệ thuật “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đã không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của âm nhạc, của giọng hát, lời thơ, vẻ đẹp của sân khấu mà cảm nhận được sự nồng nàn, thiêng liêng của tình đất, tình người đối với một người con xa quê, cũng như những tình cảm yêu kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác