Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

(VOV5) - Thành phố đã và đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh "mềm" văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Năm 2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Thành phố đã và đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh "mềm" văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Nghị quyết "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" xác định mục tiêu chung: Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu...
Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1Biểu diễn múa rồng trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hà Phương/ VOV

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, tiềm năng văn hóa là một lợi thế của Thủ đô khi Hà Nội đứng thứ 17 về diện tích so với các Thủ đô trên thế giới, nhưng lại nằm trong số hiếm Thủ đô có tuổi đời trên 1000 năm: "Thành phố đã xác định, phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự trở thành một nguồn động lực, một nguồn lực quan trọng trong việc phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. Đây là một nhận thức rất mới. Nếu như trước đây chúng ta xác định, nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cũng là nguồn lực thì bây giờ chúng ta nhấn mạnh hơn là làm thế nào để phát huy được giá trị, của văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong việc phát triển nhanh và bền vững Thủ đô".

Nghị quyết Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô xác định mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoa Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Phấn đấu đóng góp từ 4-5% GRDP của Thành phố. Đến năm 2030, đóng góp khoảng 7% và đến năm 2045 phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 2Biểu diễn nghệ thuật hát chầu văn trong không gian phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Hội thảo nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045", vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 16/8, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa ủng hộ mạnh mẽ Nghị quyết, cho rằng để đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban văn hóa giáo dục quốc hội, khẳng định: "Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là bước hiện thực hóa, cụ thể hóa việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển không chỉ của thủ đô mà của đất nước nói chung. Khi nói đến tinh hoa văn hóa Hà Nội thi cũng là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam, vì thế cần phải bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội để tạo nên niềm tự hào cho đất nước, tạo nên sức mạnh dân tộc trong giai đoạn sắp tới."

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Hà Nội cũng đang xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa.

Hà Nội cũng chú trọng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, cho biết: "Nghị quyết 09 ra đời thì các dự án mà đã được Thủ tướng phê duyệt thì sẽ nhanh chóng được triển khai. Chúng tôi mạnh dạn đưa các chương trình văn hóa phi vật thể trong văn hóa của Hoàng thành Thăng Long tạo thành các sự kiện thường niên, ví dụ như Tết Việt, Tết Trung thu, Tết Đoan Ngọ và các hoạt động khác để tạo thành các sự kiện thường niên thu hút khách. Chúng tôi cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi."

Thành phố cũng đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng. Hiện thành phố Hà Nội có trên 300 làng nghề truyền thống được công nhận, có gần 6.000 di tích văn hóa, trong đó phần lớn cần được tu bổ, bảo tồn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác. Đây cũng là những tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa thủ đô bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác