(VOV5) - Các doanh nghiệp du lịch cần kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút du khách, tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Hội thảo "Then Việt Bắc với phát triển du lịch" tổ chức ngày 11/1, tại Thái Nguyên, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều nhà khoa học, nhà sưu tầm văn hóa dân gian, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.
Các nghệ sĩ và nghệ nhân dân gian đến từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên biểu diễn nghệ thuật hát Then. - Ảnh: baothainguyen |
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và du lịch ở trung ương và các địa phương vùng Việt Bắc đề xuất các giải pháp đưa du lịch vùng Việt Bắc phát triển.
Bà Phạm Thị Phương Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: “Hội thảo này là một lần nữa khẳng định giá trị độc đáo và sức hấp dẫn của Then đồng thời bàn xem, đưa ra và lắng nghe những ý kiến của các nhà khoa học, các nghệ nhân đặc biệt là những nhà làm du lịch để chúng tôi hướng tới bài toán là bây giờ Then đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhưng sẽ bảo tồn và khai thác nó như thế nào nhất là trong lĩnh vực du lịch của các tỉnh Việt Bắc. Đây chính là mục tiêu hướng tới của hội thảo”.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc, các doanh nghiệp du lịch đầu tàu cần có sự liên kết hiệu quả, kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút du khách, tạo nguồn lực trở lại cho công tác bảo tồn.