(VOV5) - Làng Lung, với vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị văn hóa độc đáo, đang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Nghệ An.
Giữa không gian xanh ngát của vùng quê Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, một câu chuyện văn hóa đang được dệt nên bằng những sợi chỉ tinh tế của bản sắc dân tộc Thổ. Làng Lung, viên ngọc ẩn mình trong lòng xã Nghĩa Lợi, đang lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thổ, đồng thời, hứa hẹn trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, để biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch văn hóa trải nghiệm đúng nghĩa, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sáng tạo… Mời quý vị cùng theo dõi phóng sự của Lan Phương về tiềm năng và những định hướng phát triển du lịch làng Lung với các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững.
Giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con người Thổ ở xã Nghĩa Lợi huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: baodantoc. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với quy hoạch như một ô bàn cờ, những mái ngói đỏ rực rỡ và không khí trong lành, làng Lung đang từng bước chuyển mình để trở thành một điểm đến du lịch văn hóa độc đáo trong hành trình kết nối văn hóa truyền thống với du lịch trải nghiệm. Làng Lung hiện vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thổ, Nghệ An, từ những nghi lễ truyền thống, những điệu múa dân gian, cho đến những món ăn đặc sản. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của một cộng đồng giàu bản sắc. Tiến sĩ Trần Thị Thủy, Trường Đại học Vinh, nhấn mạnh tiềm năng phát triển du lịch văn hóa nơi đây nằm ở sự kết hợp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Các sản phẩm văn hóa, như: nước chè đâm xanh mát, bánh gai thơm ngon và kỹ thuật đan võng gai truyền thống là những di sản của dân tộc nơi đây và còn là những câu chuyện sống động mà du khách có thể trải nghiệm: "Tôi không phải là người thích ăn ngọt và không thích bánh gai lắm. Nhưng khi đến đây và ăn bánh gai do người dân tộc Thổ làm, tôi thấy rất ngon. Tôi cũng ấn tượng với kỹ thuật đan võng gai. Tuy nhiên, mình phải có phương án để tạo ra những sản phẩm lưu niệm có giá cả phải chăng, phù hợp với du khách."
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Đánh giá mô hình du lịch văn hoá dân tộc Thổ góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Đàn” nhằm tìm hướng phát triển du lịch cho bà con dân tộc tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Lan Phương |
Bà Nguyễn Hương Giang, Công ty Du lịch Vietravel, chi nhánh Nghệ An, cho biết để nâng cao chất lượng trải nghiệm du lịch cho du khách, điều tiên quyết là cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng: "Các tiện ích, phòng ở và các khu vực dành cho du khách chưa đáp ứng nhu cầu của một tour du lịch văn hóa. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp đón các đoàn du khách lớn, đặc biệt, khi họ muốn lưu trú lại để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm văn hóa."
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện các khu vực lưu trú và xây dựng các hoạt động tương tác văn hóa sẽ giúp du khách có một trải nghiệm chân thực hơn. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa địa phương, tạo ra các hoạt động tương tác trực tiếp với cộng đồng sẽ giúp du khách thực sự cảm nhận được bản sắc riêng của người Thổ.
Theo ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư du lịch PhucGroup, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp làng Lung trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và bền vững: "Không chỉ dừng lại ở các phương thức quảng cáo truyền thống, người dân làng Lung cần xây dựng các chiến lược tiếp cận mới. Việc kết nối với các trung tâm văn hóa, trường đại học và tham gia các sự kiện lớn sẽ giúp tạo ra sự chú ý và tò mò về điểm đến này."
Các thành viên CLB nghệ thuật biểu diễn làng Lung. Ảnh: ngheandost.gov.vn |
Gợi mở về khả năng xây dựng một câu chuyện truyền thông độc đáo, khai thác sự khác biệt của văn hóa dân tộc Thổ thông qua các nền tảng số và truyền thông xã hội, ông Nguyễn Hữu Bắc cho rằng việc tạo ra các nội dung số hấp dẫn từ những video ngắn ghi lại khoảnh khắc đời thường của người dân đến các câu chuyện về nghệ thuật thủ công truyền thống sẽ là cầu nối hiệu quả để giới trẻ cũng như các đối tượng du khách trong nước và quốc tế khám phá và yêu mến văn hóa dân tộc Thổ nhiều hơn.
Để phát triển du lịch văn hóa tại làng Lung, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp du lịch cần đầu tư và sáng tạo và người dân cần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Chiến lược phát triển du lịch ở đây không chỉ đơn thuần bó hẹp trong việc giới thiệu các sản phẩm văn hóa mà còn cần tạo ra các trải nghiệm sống động. Các hoạt động như: trình diễn nghệ thuật dân gian, hướng dẫn viên am hiểu văn hóa; các điểm trải nghiệm, như: ao cá, trò chơi dân gian…, sẽ giúp du khách kết nối sâu hơn với cộng đồng.
Nhà văn hóa của xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy/baonghean |
Làng Lung, với vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị văn hóa độc đáo, đang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng du lịch của mảnh đất Nghĩa Đàn, Nghệ An, chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ và bền vững. Với sự chung tay của cả cộng đồng, trong thời gian không xa, làng Lung sẽ ngày càng phát triển và trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch văn hóa các dân tộc Việt Nam.