Làng quết cốm dẹp Ba So đón tết Okombok

(VOV5) - Nhộn nhịp nhất là tại các làng nghề quết cốm dẹp đâu đâu cũng nghe tiếng chày thình thịch cùng mùi thơm của mẻ cốm mới ra lò. 

Những ngày này, tại tỉnh Trà Vinh, khắp các xóm có đông đồng bào Khmer sinh sống đang rộn ràng trong không khí của mùa lễ hội Okombok – một trong ba lễ hội lớn trong năm của người Khmer Nam Bộ. Nhộn nhịp nhất là tại các làng nghề quết cốm dẹp đâu đâu cũng nghe tiếng chày thình thịch cùng mùi thơm của mẻ cốm mới ra lò.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cảm nhận ban đầu khi đến làng nghề quết cốm dẹp Ba So, là sự hối hả, tất bật của các hộ làm cốm. Họ thay phiên nhau tạo ra những mẻ cốm để kịp giao hàng, phụ vụ nhu cầu của thị trường trong những ngày lễ hội. Bà Trương Thị Di, thành viên trong một gia đình có 3 đời làm cốm dẹp, cho biết: Làm cốm dẹp không khó lắm, nhưng phải hiểu nghề thì sản phẩm mới ngon. Ngày thường trung bình gia đình bà quết từ 2 giạ đến 3 giạ nếp (40-60kg), sản phẩm thu được gần 4 giạ cốm. Nhờ cái nghề quết cốm dẹp này mà gia đình bà có cuộc sống đầy đủ hơn:  Tôi làm nghề từ 17-18 tuổi làm suốt đến hôm nay. Trung bình mỗi ngày quết 2,5 giạ - 3 giạ nếp, lúc hút hàng thì 3-4 giạ/ngày. Ngày xưa chỉ làm nhiều vào dịp lễ hội Okombok bây giờ thì làm quanh năm, lúc nào cũng có bạn hàng đến đong, họ mua về bán ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP HCM…. Có cốm là bán được liền, không lo bị ế.

Nghề quết cốm dẹp rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm, tốn nhiều công sức mới cho ra sản phẩm thơm ngon. Trung bình mỗi nhóm 4 người làm việc 8-9 tiếng đồng hồ/ngày cho ra được 3-4 giạ cốm. Với mức giá thị trường 360 - 380 ngàn đồng/giạ cốm như hiện nay, trừ ra các khoản chi phí chỉ thu nhập hơn 150nghìn đồng/người. Dù lắm vất vả nhưng nhờ đầu ra sản phẩm khá ổn định và là cái nghề truyền thống nên hiện làng nghề Ba So đã có hàng chục hộ có đến 3 - 4 đời theo nghề. Ông Thạch Miêl, có gần 30 năm làm nghề, cho biết: Hàng ngày từ 12 giờ khuya là bắt đầu làm cho đến 8 giờ sáng. Mình làm sớm để trưa tranh thủ thăm lúa, cắt cỏ cho bò, có công ăn việc làm liên tục khỏi đi làm đâu xa. Đã mấy chục năm rồi nên quen, không mệt lắm làm được bình thường, làm suốt đến giờ cơm thì ăn. Có khi phải nghĩ một hai còn thấy uể oải trong mình.

Làng quết cốm dẹp Ba So đón tết Okombok - ảnh 1
Ông Thạch Miel đang quết cốm

Cách đây hơn chục năm, cả xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, chỉ có hơn hai chục hộ làm cốm dẹp chủ yếu cho khách trong tỉnh. Nay thị trường tiêu thụ rộng hơn, khách hàng ở khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh biết đến cốm dẹp Ba So. Đến nay, làng nghề truyền thống này đã có gần trăm hộ chuyên sản xuất cốm theo mùa và gần 50 hộ sản xuất quanh năm, tập trung tại ấp Ba So và ấp Tụa.

Để có mẻ cốm thơm, dẻo phải dùng nguyên liệu nếp đầu mùa vừa mới thu hoạch. Do đó, khi sản xuất ngày càng mở rộng, nguyên liệu càng trở nên khan hiếm, trong khi phần lớn diện tích trồng lúa nếp vùng ngập mặn, khiến nguồn nếp nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Để có nguyên liệu sản xuất cả năm, hiện bà con đã trữ và xử lý nếp từ mùa lúa chính vụ trong thời gian dài để có thể sản xuất cốm vào những tháng không có múa chín. Chính từ cách làm này mà các làng nghề tại Trà Vinh đều sản xuất được cốm quanh năm. Tuy nhiên cốm có chất lượng thơm ngon nhất vẫn là vào mùa Okombok, khi lúa bắt đầu chín. Ngoài ra, nhằm giúp làng nghề chủ động hơn trong khâu nguyên liệu và sản phẩm cốm, địa phương đang triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu nếp và vận động các hộ làm cốm tham gia Tổ hợp tác và làm thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu "Cốm dẹp Ba So"... : Ông Thạch Ngọc Nghĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhị Trường, cho biết: Làng nghề cốm dẹp Ba So đang phát triển rất tốt nhưng do chưa có thương hiệu, chưa quảng bá mạnh sản phẩm, do đó tỉnh và địa phương đang có chủ trương xây dựng cho bằng được thương hiệu để nhiều người biết về sản phẩm của mình. Hiện bà con chủ yếu tự phát cho nên hướng tới chúng tôi sẽ thành lập tổ, tiếp theo xây dựng thương hiệu bên cạnh chuyển giao khoa học công nghệ, quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ chính sách đối với làng nghề.

Từ chỗ là phẩm vật dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của bà con dân tộc Khmer, cốm dẹp hiện được xem là loại đặc sản ở Trà Vinh. Với sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật cùng đầu ra sản phẩm của chính quyền địa phương, cốm dẹp Trà Vinh ngày càng được nhiều người biết đến. Khi đó thương hiệu cốm dẹp Ba So sẽ được lưu giữ, bảo tồn bởi chính những người gắn bó với nghề truyền thống quê hương./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác