Buổi ra mắt sách có sự tham gia của nhà nghiên cứu dân tộc học PGS. TS. Bùi Xuân Đính, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp - thành viên chủ chốt của nhóm Nghiên cứu Di Sản Văn hóa Đền Miếu Việt.
Tín ngưỡng thờ cúng và các hình thức thực hành nghi lễ thờ cúng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và củng cố nền tảng đạo đức, nâng đỡ người Việt trên con đường đạt đến sự ổn định và hạnh phúc.
Cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ" vừa là một công trình có tính chất khảo cứu lý luận về tập quán thờ cúng vốn đã ăn sâu bén rễ trong toàn bộ đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Việt, vừa là một cẩm nang hướng dẫn thực hành các nghi lễ cổ truyền theo đúng tinh thần thành kính, tiết kiệm và văn minh trong cuộc sống hiện đại.
Là một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ và có nhiều năm hướng dẫn thực hành nghi lễ thờ cúng, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã tìm hiểu, ghi chép, miêu tả, hệ thống hóa và bước đầu phân tích hệ thống nghi lễ của người Việt để cho ra mắt tác phẩm “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ”.
Các nghi thức thờ cúng, tế lễ ông bà tổ tiên và các bậc tôn kính như Phật, thánh, thần, tiên… đã hình thành và phát triển song hành với quá trình bền bỉ, kiên trinh dựng nước và giữ nước của người Việt, góp phần làm giàu nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền, vẫn tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu, ít nhiều còn rườm rà, nệ cổ hoặc mang màu sắc mê tín dị đoan,...
Điểm đáng chú ý trước hết trong cuốn sách của tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà nằm ở việc giới thiệu, phân tích và hệ thống hóa một cách vừa có chiều sâu lý luận, vừa ngắn gọn, dễ hiểu những nét căn bản trong nghi lễ thờ cúng cổ truyền của người Việt.
Nội dung lý luận của cuốn sách nằm tập trung ở Chương 1, nêu những nét khái quát nhất về đặc điểm, tính chất của nghi lễ thờ cúng ở Việt Nam. Ở phần này, bên cạnh việc đưa ra định nghĩa, nguồn gốc, phân loại hoạt động thờ cúng, tác giả tổng kết nên 8 nguyên tắc và 3 tính chất cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền.
8 nguyên tắc thờ cúng gồm: chân tâm, vị tha, trang nghiêm, tuân theo quy luật tự nhiên-xã hội, liên thông, lắng đọng, chân mỹ, và thiêng liêng. 3 tính chất gồm: tính triết lý; tính thực tiễn, giản dị, giàu nhân văn; và tính thống nhất trong đa dạng. Việc tổng kết các nguyên tắc và tính chất này, theo tác giả, không chỉ để thấy được giá trị tốt đẹp và độc đáo của truyền thống cha ông, mà còn giúp người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, khi thực hành các nghi lễ có thể linh hoạt cải tiến, hiện đại hóa mà vẫn không xa rời bản sắc dân tộc.
Một điểm mới mẻ và không kém phần gợi mở là phần Phụ lục ở Chương 1, gồm các lời hỏi-đáp tuy vắn tắt nhưng giúp làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về hoạt động thờ cúng.
Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng gây không ít sai lầm, lúng túng với nhiều người: Thờ là gì? Cúng là gì? Cúng và thờ khác nhau thế nào? Một bài văn lễ cần đảm bảo những nội dung gì? Đồ lễ gồm những gì? Có thể cúng hoa khô, hoa giả được không? Nên dùng hoa gì để cúng lễ? Thắp hương nên thắp mấy nén? Đốt vàng mã sao cho đúng?
Trả lời được những câu hỏi này giúp người trẻ hiểu đúng về truyền thống thờ cúng, tránh tình trạng giản lược hóa hoặc “tam sao thất bản”, dẫn đến những mất mát hoặc sai lệch về nội dung, ý nghĩa mà các thế hệ cha anh đã gây dựng.
Ở các chương sau đó, khi giới thiệu về từng hoạt động nghi lễ cụ thể, tác giả nhấn mạnh lý giải từ nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của nghi lễ, qua đó làm cơ sở đi đến hướng dẫn thực hành cụ thể sao cho phù hợp nhất, có ý nghĩa nhất. Chẳng hạn, bàn về lễ dâng sao giải hạn, một nghi lễ rất phổ biến và tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt, không ít người cho rằng đây là một hình thức có tính chất lạc hậu, phi khoa học. Tuy nhiên, thông qua giải thích về nguồn gốc có trong quan niệm dân gian và chỉ ra giá trị cốt lõi về tâm linh, tinh thần vốn in sâu trong tâm thức người Việt, tác giả đã làm nổi bật ý nghĩa nhân văn của nghi lễ này và qua đó hướng dẫn mỗi người, mỗi gia đình có thể tự thực hiện một cách chân tâm, giản dị và tiết kiệm nhất.
Một điểm đặc biệt của các bài văn khấn, văn lễ trong cuốn sách này là, dựa trên văn khấn cổ truyền của cha ông (vốn là các bài đã có từ lâu, sử dụng nhiều từ cũ, từ Hán Việt có phần trúc trắc, khó hiểu), tác giả soạn lại văn khấn với lối hành văn hiện đại, thuần Việt nhưng vẫn đảm bảo được sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt lẫn nội dung cốt lõi của các bài khấn. Qua đó, cuốn sách giúp cho bạn đọc, nhất là giới trẻ, biết sử dụng các bài văn khấn bằng tiếng mẹ đẻ một cách nhuần nhụy và trong sáng, làm tăng thêm phần trịnh trọng và thành tâm khi tự mình dâng lễ tổ tiên, ông bà.
Để bạn đọc tiện theo dõi và bước đầu hình dung một cách tổng quát về hệ thống nghi lễ rất phong phú, thậm chí có phần phức tạp của người Việt, cuốn sách đã phân loại các hoạt động thờ cúng một cách bài bản, gồm: Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, như lễ tôn bát hương, lễ chuyển bàn thờ, lễ tạ mộ, lễ kính rước ông bà về nhà thờ mới,…; nghi lễ theo lễ tiết trong năm, như tết Nguyên đán (lễ cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng giao thừa, cúng tất niên, lễ cúng đầu năm,…), tết Nguyên tiêu, tết Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết Trung thu,…; nghi lễ theo vòng đời người, như lễ đầy tháng, đầy tuổi, lễ thành hôn, lễ tân gia, cho đến lễ mừng thọ, lễ giỗ, lễ tang,…; các nghi lễ phổ biến, quen thuộc gắn với mỗi gia đình Việt, như lễ cúng mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, lễ chăm sóc phần mộ tổ tiên, lễ thờ Thần Tài, lễ cầu tài, cầu lộc đầu năm,…
Khi đi vào từng nghi lễ, cuốn sách đều có hướng dẫn ba phần cụ thể, gồm: ý nghĩa của nghi lễ; các lễ vật cần thiết để chuẩn bị cho nghi lễ; và hướng dẫn các bước tiến hành dâng lễ. Ở phần chuẩn bị lễ vật, tác giả luôn gợi ý các vật phẩm thông dụng, giản dị như các thức hoa, thức quả, hoặc các món ăn, các loại bánh quen thuộc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc không câu nệ các hình thức xa hoa, tốn kém, mà chú trọng đến sự phù hợp và thành tâm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Ở phần tiến hành dâng lễ, cuốn sách lần lượt hướng dẫn từng bước từ sắp bày mâm lễ, chắp tay khấn, vái, cho đến đưa ra gợi ý các bài văn khấn và văn lễ ngắn gọn, dễ hiểu.
Bên cạnh đó, ngoài việc hướng dẫn các nghi lễ, cuốn sách cũng có những lưu ý cho bạn đọc khi thờ cúng, lễ tết biết cách xử lý một số tình huống như: bát hương hóa (cháy), lau dọn bàn thờ và chăm sóc bát hương, gieo quẻ âm dương, những điều kiêng kỵ nên tránh,…
Qua cuốn sách Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – Nghi lễ và thực hành nghi lễ, có thể thấy Việc thờ cúng của người Việt bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng của tiền nhân qua những thăng trầm của lịch sử, một mặt vẫn tiếp tục bảo lưu truyền thống, mặt khác tiếp thu những điểm ưu việt từ mọi nền văn hóa của thế giới để làm giàu đẹp thêm đời sống tinh thần - tâm linh của mình. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng chính là một phương thức tu tâm mà người Việt đã thực hành hàng ngàn năm qua và sẽ không bao giờ mất đi.
Chính bởi lẽ đó mà thế hệ trẻ hôm nay, có thể thông qua cuốn sách này, cần tìm hiểu để thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị thờ cúng cũng như những nghi lễ căn bản, từ đó tiếp nối việc thờ cúng, lễ bái của tổ tiên cho đúng đạo lý.
Đúc kết từ quá trình hơn 20 năm trực tiếp làm công việc hướng dẫn nghi thức thờ cúng và thực hiện những việc liên quan đến văn hóa tâm linh, tác giả Quách Trọng Trà đã đưa ra những hướng dẫn thực hành nghi lễ thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, đồng thời vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị cốt lõi cổ truyền, qua đó đáp ứng nhu cầu thực tế trong đời sống tâm linh của đại đa số người Việt.