Tháng 7 về ngã ba Đồng Lộc

(VOV5)- Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh miền Trung Hà Tĩnh. 50 ha diện tích của ngã ba nằm gọn trong thung lũng mà hai bên là đồi núi, giữa là con đường độc đạo, huyết mạch nên trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là chiếc túi hứng bom và trở nên bất tử với việc cả một tiểu đội nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt. Chiến tranh đi qua, tháng 7 giờ đây là dịp khách thập phương về  ngã ba Đồng Lộc để tri ân họ.

Tháng 7 về ngã ba Đồng Lộc - ảnh 1
Khu di tích ngã ba Đồng Lộc 

Nghe nội dung chi tiết tại đây.



Tháng 7, nắng chói chang, nóng gay gắt và khu di tích ngã ba Đồng Lộc đón dòng người hành hương tri ân những nữ anh hùng liệt sỹ. Ngã ba Đồng Lộc hôm nay là cả một quần thể di tích với nhà bia tưởng niệm thanh niên xung quanh toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng và phần mộ của 10 cô gái thanh niên hy sinh trong một tr ận bom. Yên bình là vậy nên khó có thể hình dung nơi đây từng được mệnh danh là “tọa độ chết” trong những năm kháng chiến chống Mỹ.  Người ta tính được là mỗi mét vuông đất ở ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu đến 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng trong 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Nhưng toạ độ chết này chính là địa điểm đóng quân của một tiểu đội thanh niên xung phong gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Các cô có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá.

Anh Nguyễn Việt Tuấn, cán bộ khu di tích ngã ba Đồng Lộc, giới thiệu: 10 cô gái ở các miền quê của Hà Tĩnh. Các chị quây quần về với trọng điểm ngã ba Đồng Lộc để cùng nhau làm nhiệm vụ chung đó là san lấp con đường quốc lộ 15A tức là con đường chính chạy ở phía trước phần mộ.  Nhiều đêm, các chị mặc đồ trắng, cầm tay nhau làm hàng rào, cộc tiêu để dẫn đường chỉ lối cho xe vào tiền tuyến được an toàn.

Ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống ngã ba Đồng Lộc đã cướp sinh mạng 10 cô gái trẻ: “ Đồng Lộc vào ngày 24/7/1968, sáng đó con đường Đồng Lộc bị máy bay Mỹ xới tung lên. Để đảm bảo an toàn cho đoàn xe kịp thời chi viện cho tiền tuyến thì tiểu đội của 10 cô gái đã nhận được lệnh của đại đội. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt tình của các chị, chẳng mấy chốc những hố bom ở trên đường đã được san lấp nhưng đến 16h cùng ngày cả 10 cô gái đang hối hả làm nhiệm vụ  thì một quả bom làm sập hầm các chị. Lúc đó cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở khóc thương các chị.

Đồng Lộc hôm nay là mảnh đất của màu xanh. Tất cả các con đường dẫn tới ngã ba Đồng Lộc đều trải nhựa thênh thang. Toàn bộ khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc đều được tôn tạo khang trang. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới Đồng Lộc thắp hương, thăm viếng còn những ngày lễ Tết sẽ có hàng ngàn lượt người.  Nghệ sỹ kịch nói Đoàn Phú Thăng đến ngã ba Đồng Lộc vào tháng 7 này, chia sẻ: Tôi đến đây là lần đầu tiên. Nghe nói về di tích của 10 cô gái  Đồng Lộc rất nhiều hôm nay mới có dịp đến. 10 cô gái, 10 cô thanh niên xung phong tiêu biểu đặc biệt nhất của lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Đến đây được nghe những lời thuyết trình mới thấy mình quá nhỏ bé so với những hy sinh mất mát của lớp cha anh ngày xưa và càng cảm thấy cảm phục sự hy sinh dũng cảm của cha anh mình trong cuộc kháng chiến.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng, ở Hà Nội không giấu được cảm xúc trong khi sắp xếp đồ lễ để hương khói cho các cô gái Đồng Lộc: Với tôi dù chiến tranh đã đi qua nhưng đứng ở khía cạnh nào đó vẫn có sự bồi hồi xúc động riêng. Ở đây dù rằng phong cảnh có khác nhưng dấu ấn vẫn còn. Đứng ở khía cạnh nào đó là người được sống trong thời bình chúng tôi vẫn nhìn nhận sự đóng góp, hy sinh lớn lao của các chị. Tôi xúc động trước khung cảnh và sự hy sinh của các chị. Tấm lòng và tình cảm của tôi cũng như các du khách khi đến đây là sự kính trọng các chị và cũng là tấm gương cho chúng tôi noi theo.

Chị Trần  Thị Lan, ở thành phố cảng Hải Phòng, cho biết cứ có thời gian chị lại hành hương về ngã ba Đồng Lộc: Tôi thực sự kính phục sự hy sinh của các chị và cũng mong các chị ở dưới cõi âm luôn phù hộ cho đất nước Việt Nam. Có hòa bình như ngày hôm nay nhờ công lao của các chị rất nhiều. Lúc nào cũng tưởng nhớ và luôn nghĩ các chị luôn ở bên mình. Trong tư tưởng tôi đến đây thấy rất gần gũi mình như người nhà của các chị.

10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Trong lòng người Việt, ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Ngã ba Đồng Lộc, ngã ba huyền thoại đã thành điểm hành hương tâm linh./.




Phản hồi

Các tin/bài khác