Thổ Châu những ngày giáp Tết

(VOV5) -  Khác với không khí lạnh buốt của  miền Bắc, nắng gắt miền Trung, thời tiết những ngày áp Tết ở xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lạnh man mát. Quanh đảo Thổ Châu, hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ, đậu san sát, nằm thảnh thơi trên mặt biển trong xanh. Trên đảo, người dân nhộn nhịp mua sắm nào thịt, rau, hoa quả, bánh kẹo để chuẩn bị đón một cái Tết thật đủ đầy.

Thổ Châu những ngày giáp Tết - ảnh 1
Những mẻ cá cuối năm


Nghe nội dung chi tiết tại đây:






Thổ Châu là xã biên giới hải đảo có 8 hòn đảo lớn nhỏ như: Hòn Từ, Hòn Cao, Hòn Xanh, Hòn Nhạn… nhưng nhân dân xã đảo tập trung sinh sống chủ yếu trên đảo Thổ Chu với hơn 500 hộ và gần 2000 nhân khẩu. Ngành nghề chính của người dân Thổ Chu là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ nghề cá. Năm nay sản lượng đánh bắt hải sản tuy  có giảm đáng kể, cuộc sống có phần khó khăn hơn mọi năm nhưng không vì thế mà không khí Tết ở đây kém vui. Cả năm chỉ có một cái Tết nên bà con cũng mong đợi lắm. Ông Chín Bình, làm nghề thu mua hải sản cho biết: “Đảo này xa xôi, Tết này nhộn nhịp lắm. Ai cũng trông mong vào ngày Tết. Ai cũng muốn trưng bày nhiều thứ để đón Tết và mừng rỡ chào đón năm mới. Mình sắm sửa nhiều cái mới và đẹp để bước sang năm mới. Nhà cửa cũng tân trang theo ý mình”. 


Thổ Châu những ngày giáp Tết - ảnh 2
Một góc nhỏ bình yên trên đảo Thổ Chu


Giao thông không được thuận tiện như ở đất liền nhưng phiên chợ ngày Tết ở đảo cũng đầy ắp hàng hóa phục vụ cho người dân mua sắm đón Tết cổ truyền. Dọc từ cầu tàu đến miếu Hoàng của đảo Thổ Chu, đoạn đường chưa đầy 300m, có đến hàng chục điểm bán đủ các mặt hàng thiết yếu, trông như những siêu thị thu nhỏ. Những cửa hàng tạp hóa chất đầy hàng hóa phục vụ Tết như bánh kẹo, rượu bia.. . Cửa hàng rau quả, hoa tươi tấp nập người mua. Bà Thiệu Ngọc Nhung có 21 năm sống trên đảo, chứng kiến bao đổi thay của xã đảo qua từng cái Tết, cho biết: “Vào lúc này hàng hóa bắt đầu về để phục vụ mọi người. Họ chuyển về nhiều lắm vừa phục vụ cho bộ đội nữa. Hàng hóa nhiều hơn mọi năm. Nhu yếu phẩm thì ngày 27, 28 tháng Chạp mới chở hàng hóa trong bờ ra. Sắm bánh mứt, trái cây, thực phẩm ăn uống”.

Ở đảo bây giờ, cuộc sống đầy đủ hơn, không kém nhiều so với đất liền. Thế nhưng, mỗi người dân nơi đây đều mong chờ chuyến tàu cuối năm mang hàng Tết từ đất liền ra đảo. 10 ngày mới có một chuyến tàu chở hàng hóa ra đảo nên những ngày giáp Tết ở đây vui như hội. Ngoài này chỉ sẵn cá, mực còn những mặt hàng khác thì khan hiếm hơn. Bàị Nguyễn Thị Hồng Hải, chủ tịch hội phụ nữ xã Thổ Châu cho biết: “Cũng như trái cây, ở đây thiếu rất nhiều. Ở đây chỉ có trồng rau xanh còn các loại trái cây trưng vào dịp Tết hay thịt cá, thịt gà, thịt heo ở đây không có đáp ứng đầy đủ. Mình phải nhờ các ghe chở ra ngoài này. Cơ bản một phần nào thôi chứ không đảm bảo hết được”.

Những mặt hàng để trang trí nhà cửa đón Tết như hoa lụa, tranh ảnh, đèn nhấp nháy...cũng được người dân mua nhiều. Ai cũng muốn nhà cửa của mình thật rực rỡ, ấm cúng để đón Tết. Trong phòng khách của mỗi gia đình trên đảo đều trưng một cành mai nhỏ. Bà Ngọc Lê cho hay không giống như mai vàng trong đất liền, mai ở đảo dường như đẹp rực rỡ, hoang dã và mạnh mẽ, kiên cường hơn, bởi thời tiết ngoài đảo khắc nghiệt hơn nhiều so với trong đất liền: “Hoa mai ở đảo tự đốn trên rừng. Mai trên rừng nhiều lắm. Mai năm nay nếu đi đốn thì nở đúng mùng một. Chỉ mua bông, đồ tươi từ đất liền trở ra. Gia đình chuẩn bị Tết đầy đủ như mọi năm. Hàng năm có bánh chưng, bánh tét. Bánh gói trước Tết một ngày. Tháng thiếu gói bánh ngày 29 còn tháng đủ gói bánh ngày 30 Tết”.

Tết ở đảo dù không sung túc, nhộn nhịp và rực rỡ như trong đất liền nhưng lại thấm đượm tình người của những người xa quê. Hầu hết những người dân trên đảo Thổ Chu đều đến từ nhưng miền quê xa xôi của Tổ quốc , chỉ có một số ít là người dân gốc ở đây. Theo Bà Hồng Hải người dân trên đảo hầu hết từ đất liền ra lập nghiệp như  Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Nghệ An...Hơn nữa, với vị trí là hòn đảo ở cực Nam Tổ quốc,  Đảo Thổ Chu còn là nơi lưu lại của nhiều phương tiện đánh bắt thủy hải sản đến từ nhiều tỉnh thành, nên Tết đến, nơi đây cũng giống như nhà của bà con ngư dân: “Những người xa quê lên ăn Tết cùng mình. Những người đi đánh bắt không có nhà đón Tết thì họ lên đây đón Tết thì người dân trên đảo coi họ như anh em, cùng chung gia đình. Đã đi xa đến đây thì bà con coi đây là một nhà, một quê hương, một gia đình”.

Nhìn về  đất liền, phía đó có gia đình, người thân, họ hàng, chòm xóm nhưng người dân đều ở lại đảo đón Tết. Bởi lẽ, Thổ Chu đã là quê hương thứ hai họ. Hơn 20 năm sống ở đây, chừng đó thời gian đủ để những con người của biển như bà Nhung, bà Lê, ông Bình, chọn Thổ Chu làm chốn đi về. Xuân đã đến thật gần./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác