Viện nghiên cứu Đông Nam Á và chặng đường phát triển 40 năm

(VOV5) - Tiền thân là Ban nghiên cứu Đông Nam Á trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đã phát triển không ngừng, trở thành một Viện nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á của Việt Nam. Trong suốt 40 năm phát triển, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đã có nhiều nghiên cứu đóng góp  cho sự phát triển chung của Việt Nam và khu vực. Nhờ đó, tháng 11/2013 này, Viện đã đón nhận Huân chương độc lập hạng 3 do Nhà nước trao tặng.



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo PGS.TS Nguyễn Duy Dũng- Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, năm 2013 là mốc thời gian đáng nhớ của Viện. Trên chặng đường phấn đấu 4 thập kỷ qua, Viện đã trưởng thành về nhiều mặt. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu về quá trình phát triển văn hóa Đông Nam Á, nghiên cứu về kinh tế-xã hội khu vực, trên cơ sở đó kiến nghị với Đảng, NN trong hoạch định các chính sách đối ngoại của nhà nước đối với khu vực và thế giới: “Từ một Ban nghiên cứu Đông Nam Á với chỉ 18  cán bộ, đến nay Viện có 8 phòng và Trung tâm nghiên cứu, 52 cán bộ trong đó có 19 cán bộ có học hàm, học vị GS, PGS, TSKH và TS, 20 cán bộ có trình độ thạc sỹ, đủ sức đảm đương các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. 40 năm qua, Viện đã trưởng thành vượt bậc, cả về cơ cấu, tổ chức và lực lượng nghiên cứu”.

TS Lê Thị Thanh Hương-Trưởng phòng nghiên cứu các nước Hải đảo chia sẻ, trong những thành tựu của Viện Đông Nam Á, những cán bộ như chị vinh dự được đóng góp một phần vào sự nghiệp nghiên cứu chung: “Chúng tôi đã có một số công trình tiêu biểu như: nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Philipin, Malaixia, nghiên cứu về xung đột các sắc tộc tôn giáo ở các nước Đông Nam Á, về xã hội dân sự ở Malaysia, Thái Lan… Hiện nay chúng tôi đang đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các vần đề hiện tại, cấp thiết của khu vực như vấn đề tranh chấp trên biển đông- thách thức đăt ra và biện pháp giải quyết…”

Năm 1973, xuất phát từ thực tế những hiểu biết về Đông Nam Á của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động,  cần có sự hiểu biết về Đông Nam Á để góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chính phủ  Việt Nam đã quyết định thành lập một tổ chức nghiên cứu để tìm hiểu về Đông Nam Á. PSG-TS Nguyễn Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện nghiên của Đông Nam Á giai đoạn 2007-2011, nhớ lại: ban đầu Viện có tên là Ban nghiên cứu Đông Nam Á,  ra đời từ Viện Sử học: “Lúc đó Ban nằm trong Ủy ban Khoa học xã hội, cơ sở vật chất rất khó khăn thiếu thốn, mỗi cán bộ chỉ có mấy mét vuông để làm việc thôi nhưng ai cũng đều  rất hăng say làm việc, khắc phục khó khăn, lao vào nghiên cứu miệt mài”.

Ngày nay, Viện nghiên cứu Đông Nam Á tọa lạc tại tầng 8 trong khuôn viên khu nhà của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam trên đường Liễu Giai-Ba Đình Hà Nội.

Trong suốt quá trình 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đã xuất bản trên 100 đầu sách nghiên cứu và hơn 1000 công trình phục vụ nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Phạm Đức Thành nguyên Viện trưởng Viện nghiên của Đông Nam Á giai đoạn 1991-2006 cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Viện cần đi sâu nghiên cứu những vấn đề nổi bật: “Chúng ta nghiên cứu Đông Nam Á là vì những vấn đề của Việt Nam, làm sao để đưa ra những kinh nghiệm  thực tế các nước Đông Nam Á đã làm đươc và vận dụng những thành công đó vào sự phát triển của Việt Nam và rút ra bài học từ những thất bại của họ… Qua đó định hướng Việt Nam sẽ tham gia cộng  đồng ASEAN  ra sao trong xu thế hội nhập hiện nay”- PGS. TS. Phạm Đức Thành cho biết.

Định hướng chính của Viện trong nhưng năm tiếp theo đó là: tập trung nghiên cứu các vấn đề về  lịch sử văn hóa xã hội các nước Đông Nam Á, đi sâu nghiên cứu hội nhập, hợp tác nội khối, đặc biệt là cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đông chính  trị- an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa- xã hội và sự tham gia của Việt Nam… Đặc biệt, hai công trình Viện  sắp hoàn thành đó là “Quan hệ Việt Nam -Campuchia”  và “Phát triển xã hội các nước ASEAN”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác