Việt Nam tự tin hội nhập văn hóa mà không đánh mất bản sắc

(VOV5) - Việt Nam đã trở thành một quốc gia trong Cộng đồng ASEAN kể từ ngày 31/12/2015. Tham gia vào một sân chơi lớn mang tầm khu vực và quốc tế, văn hóa là yếu tố để nhận diện hình ảnh, vị thế một dân tộc nhưng đó cũng là một cơ hội để văn hóa phát triển trên bình diện mới. 

Việt Nam tự tin hội nhập văn hóa mà không đánh mất bản sắc - ảnh 1
Nhã nhạc cung đình Huế - một trong những di sản văn hoá phi vật thể được thế giới cộng nhận là di sản văn hoá của nhân loại - biểu diễn ở Nhật Bản


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Ngay khi Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới, cầu nối đầu tiên luôn là văn hóa, là nền tảng để gắn kết kinh tế với chính trị. Trong những thập kỉ gần đây, việc Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới đã mở ra cơ hội tiếp cận nhiều giá trị khác nhau trong lĩnh vực văn hóa, trong đời sống người dân, cũng như văn hóa chính trị của quốc gia, văn hóa kinh tế của các đối tác, doanh nghiệp... Vì thế sự hiểu biết đầy đủ và từng bước hòa đồng về văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia là rất quan trọng.


Vấn đề mà Việt Nam cũng như các quốc gia thường gặp phải trong hội nhập văn hóa là sự khác biệt về ngôn ngữ, sau đó là phong tục, tập quán, lối sống. Chính vì vậy, việc gia nhập cộng đồng ASEAN đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, phải tự tin nhận thấy rằng chính dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước luôn luôn coi hội nhập là nhu cầu tất yếu để củng cố sức mạnh dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Ví dụ nhà Lý là một nhà nước tự chủ mạnh mẽ đã chấp nhận đưa Khổng Tử về thờ, đã chấp nhận chữ Hán là quốc tự nhưng vẫn giữ cho mình tiếng nói của người Việt bản địa, gìn giữ văn hóa trong môi trường làng xã Việt Nam một cách rất bền vững. Rồi chúng ta vươn về phương Nam để tiếp cận và tiếp nhận nhiều nền văn hóa khác của các cộng đồng cư dân tại chỗ như: văn hóa Khmer, văn hóa Chăm Pa và trước đó là văn hóa Phù Nam, Óc Eo.... Tính đa dạng ấy tạo cho chúng ta bản lĩnh cũng như nhu cầu coi việc hội nhập là quan trọng".


Trên bước đường hội nhập, lợi thế rất lớn của Việt Nam là bản lĩnh văn hóa và thực tiễn từ lịch sử. Nghĩa là hội nhập là quá trình tạo ra sức mạnh. Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học, cho rằng: Văn hóa tự nó có những quy luật phát triển, quy luật tiếp biến và luôn đổi mới. Trên cơ sở chính sách đúng đắn, nhận diện thế mạnh cũng như hạn chế để phát huy những điểm mạnh thì quá trình Việt Nam gia nhập vào cộng đồng ASEAN là cơ sở rất quan trọng để phục hưng văn hóa. Ông Nguyễn Quang Ngọc đưa ví dụ:
 "Từ thời thượng cổ, trên nền tảng chúng ta có văn hóa Đồng Nai phát triển lên, thì đến lúc điều kiện tác động bên ngoài như văn hóa Ấn Độ, văn hóa các khu vực trên thế giới tác động mạnh thông qua mối quan hệ đường biển (với Nam Bộ lúc đó là trung tâm liên thế giới) thì phát triển lên thành văn hóa Óc Eo làm nền tảng cho sự ra đời và phát triển hùng mạnh của Vương quốc Phù Nam. Như vậy, chúng ta không ngại khi có nhiều tác động sẽ làm thay đổi nền văn hóa. Sự thay đổi ấy là thay đổi theo hướng phục hưng văn hóa. Tôi nghĩ đó là cơ hội rất tốt".


Với vị trí địa lý tự nhiên sẵn có, Việt Nam là nơi khớp nối hai nền văn hóa lớn là văn hóa Đông Á và Văn hóa biển đảo của các nước Đông Nam Á. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, chiến tranh, sự va chạm, tiếp xúc với văn hóa Phương Tây đầu thế kỉ 20 đã tạo nên sự linh động và một ưu thế nữa của người Việt Nam là dễ hòa đồng, dễ hội nhập. Điều còn lại là chúng ta phải có được một "tấm căn cước" thông qua việc gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Ví như trong bối cảnh hội nhập thì việc dùng tiếng Anh để tiếp cận với rất nhiều không gian. Nếu như thị trường là yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế thì hiểu biết văn hóa là để đáp ứng nhu cầu sản phẩm, làm cho thị trường được mở rộng mà không gặp phải sự phản cảm, xung đột về văn hóa tiếp nhận, tiêu dùng. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận: Ngoài những yếu tố giống nhau, tạo nên sự liên kết tự nhiên thì sự đa dạng cũng không kém phần quan trọng:
 "Xu hướng là tìm sự đồng thuận. Nhưng đồng thuận không phải biến thành một mà sẽ có quốc gia mạnh, quốc gia yếu, văn hóa mạnh, văn hóa yếu. Xu thế đã từng thấy trong ngôn ngữ, như tiếng Anh chẳng hạn. Nhưng rõ ràng hiện nay trong nhận thức thế giới là lịch sử phải đa dạng, bảo tồn tính đa dạng. Cũng như trong thiên nhiên chúng ta bảo tồn tính đa dạng của thiên nhiên thì trong văn hóa cũng vậy. Điều đó chúng ta phải đặt ra trước nếu không sẽ là tự phát, làm nghèo nàn đi nền tảng văn hóa của Đông Nam Á".


Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa cho rằng: Việt Nam là quốc gia đang phát triển, việc ưu tiên đầu tư cho kinh tế là tất yếu. Tuy nhiên, nếu quên đi việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa thì Việt Nam sẽ làm suy giảm nền tảng tinh thần, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Vì vậy, khi là thành viên trong cộng đồng ASEAN Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, để tự tin hội nhập nhưng không đánh mất chính mình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác