Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

(VOV5) - Phòng, chống tham nhũng là quyết tâm chính trị được Đảng, Nhà nước xác định ngay từ ngày đầu lập nước. 

Với quyết tâm đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, ngay cả khi đất nước phải đối mặt với dịch bệnh phức tạp và nhiều khó khăn mới nảy sinh.

Ngay từ khi giành được chính quyền năm 1945, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng cộng sản Việt Nam ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng, lãng phí, coi đó là kẻ thù nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm, đe dọa làm suy yếu đất nước. Trải qua quá trình 77 năm lãnh đạo đất nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam được duy trì thường xuyên, liên tục.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng - ảnh 1Phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung trọng tâm trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Ảnh:  noichinh.vn

Quyết tâm phòng chống tham nhũng luôn được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Trong những năm gần đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng không ngừng được đẩy mạnh, với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, các vụ án tham nhũng liên tục được xét xử công khai, minh bạch, đúng người đúng tội, được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Trong hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, khó khăn chồng chất. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân, bảo đảm công tác an sinh xã hội, với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, từng bước đưa xã hội bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, đã có những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, lợi dụng vị trí, công việc của mình để tham nhũng, trục lợi. Nhiều sự việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

 Kịp thời nắm bắt các diễn biến mới nảy sinh, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm. Đặc biệt, những tội phạm liên quan đến dịch bệnh được xử lý nhanh, kiên quyết, dứt điểm để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Theo thống kê, trong năm 2021, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, cơ quan bảo vệ pháp luật trên cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án về tham nhũng. Đặc biệt, đã khởi 10 vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Những con số đó đã phần nào tỏ rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhiều biện pháp đồng bộ, sát hợp tình hình thực tiễn.

Cùng với quyết tâm phòng, chống đại dịch Covid-19 và triển khai nhiều dự án phát triển, thì công tác phòng, chống tham nhũng càng được Việt Nam chú trọng với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không vì bất kỳ lý do nào mà chùng xuống. Đảng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xử lý kịp thời, quyết liệt các vụ việc nghiêm trọng khiến người dân chịu thiệt hại to lớn cả về vật chất, tinh thần.

Cùng với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng và Chính phủ Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Rõ ràng là Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quyết liệt phòng, chống tham nhũng, và xác định công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” là liên tục, không khoan nhượng, gian khổ và trường kỳ. Mọi quyết tâm, nỗ lực trên tinh thần thượng tôn pháp luật là để tham nhũng không còn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển lành mạnh, công bằng, vững chắc của đất nước Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác