“Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động

(VOV5) - Các căn nhà đều là cơ sở của Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật và kể nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn.

Với nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là những cựu chiến binh, chuỗi 3 quán “Cà phê biệt động” là những địa chỉ quen thuộc, nơi họ tim đến để được sống trong không khí lịch sử và trò chuyện với những nhân vật lịch sử.

“Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động - ảnh 1

Di tích lịch sử Hòm thư bí mật- Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, quận 1, TPHCM được giữ gìn cẩn thận và hiện là một trong các quán Cà phê Biệt động

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Lưu giữ lịch sử

Anh Trần Vũ Bình là con trai chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM), là nhà thầu khoán của Dinh Độc Lập trước năm 1975. Suốt 30 năm qua, với mong muốn lưu giữ lịch sử, nhất là lịch sử liên quan đến cha mình, đến lực lượng Biệt động Sài Gòn, anh Bình tìm kiếm và mua lại nhiều ngôi nhà từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng. Sau đó, anh phục dựng lại nguyên mẫu, rồi mở cửa đón khách đến tham quan.

Đã có 3 căn nhà ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và 113A Đặng Dung, quận 1 từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 được anh Trần Vũ Bình sắp xếp, mua lại, dày công tìm kiếm hiện vật nguyên mẫu rồi mở thành quán cà phê di tích. Các quán cà phê này đều mang tên Cà phê Đỗ Phủ- Cơm tấm Đại Hàn, nhưng do các căn nhà đó đều là cơ sở của Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật và kể nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn nên lâu dần người dân gọi chung là “Cà phê Biệt động”. Anh Trần Vũ Bình mong muốn lưu giữ những gì thuộc về lịch sử đúng như nó đã từng. Anh chia sẻ: "Di tích đó nó có sao thì phải trả lại như vậy, của những năm đó thì trả lại đúng những năm đó. Mình biết là phải giữ nguyên hiện trạng, giữ nguyên không hư hỏng.  Lớp trẻ và lớp già đều trải nghiệm".

“Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động - ảnh 2

Bên trong quán được bày trí nguyên trạng của những năm 1960-1975

Quán ở số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là Di tích Lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia, là ngôi nhà có hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Còn quán ở số 113A Đặng Dung, quận 1 là Hòm thư bí mật- Hầm nổi từ Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975. Quán này rất đặc biệt vì tồn tại ngay bên cạnh nhà Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng và đối diện Cao ốc Đại Hàn thời đó. Có lẽ cũng chính vị trí đặc biệt nguy hiểm này mà quân địch không thể ngờ đó là cơ sở cách mạng. Cho nên, sau năm 1968, hàng loạt cơ sở nội thành Sài Gòn của Biệt động Sài Gòn bị lộ, kể cả 3 căn nhà nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thì số nhà 113A Đặng Dung vẫn an toàn, tiếp tục hoạt động cho chiến thắng năm 1975.

“Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động - ảnh 3

 Một góc quán với những vật dụng từng được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn sử dụng

Ở số nhà 113A Đặng Dung, từ căn hầm bí mật trong chiếc tủ áo, hòm thư bí mật là sự mưu trí của người chủ quán năm xưa hay toàn bộ 400 hiện vật là đồ dùng trong gia đình ở đô thành vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, được giữ nguyên trạng cho đến nay. Và mỗi hiện vật đó ít nhiều đều gắn với một câu chuyện nhỏ, đóng góp cho cách mạng, được giữ gìn và kể lại từ chính những người là con, là cháu, là thế hệ sau của các chiến sỹ “Biệt động Sài Gòn”.

Anh Võ Trọng Duy, cháu nội của một chiến sỹ biệt động năm xưa, hiện đang quản lý Cà phê Đỗ Phủ- Cơm tấm Đại Hàn ở số 113A Đặng Dung cho biết, anh đến với quán cà phê này là một cái duyên, rồi từ đây anh hiểu hơn, yêu hơn, tự hào hơn về những điều mà ông nội anh và đồng đội đã làm để góp phần vào chiến thắng quyết định năm 1975. Tình yêu và niềm tự hào ấy được anh gửi gắm trong những câu chuyện kể cho khách đến quán, vì thế mà lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên.

“Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động - ảnh 4

Chiếc tủ kia chính là Hầm nổi của ngôi nhà, được dùng suốt thời kỳ chiến tranh

"Em gắn bó đầu tiên là vì ông nội em là Biệt động Sài Gòn, gia đình Biệt động Sài Gòn. Từ mong muốn được tìm hiểu về ông nội mình- một  chiến sỹ Biệt động Sài Gòn, em càng tìm hiểu càng yêu mến lịch sử, truyền thống, thành tích, chiến công của biệt động. Cho nên trong quá trình phục dựng, quản lý và phát huy các di tích lịch sử này, em rất tự hào và sẵn sàng góp phần công sức nhỏ bé của mình" - Trọng Duy nói.

Đem lịch sử đến với mọi người

Khách đến “Cà phê Biệt động” ban đầu là để thưởng thức hai món cơm tấm- cà phê đặc trưng với hương vị Sài Gòn xưa, nhưng sau đó trở nên đam mê, cuốn theo những câu chuyện lịch sử. Khách đến với các quán này là những cựu chiến binh của cả hai phía, các tổ chức đoàn thể đi tìm hiểu lịch sử, nhưng đến nhiều và thường xuyên nhất là các bạn trẻ đang làm việc, học tập và sinh sống tại TPHCM.

Chuỗi di tích gồm những ngôi nhà từng làm cơ sở cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn là những trang sử sống động mà ở đó nhân chứng và vật chứng gắn kết với nhau cùng với rất nhiều câu chuyện hào hùng. Cà phê Biệt động là một hình thức thiết thực, hiệu quả để lịch sử và truyền thống cách mạng đến với mọi người một cách tự nhiên, sống trong lòng mọi người, nhất là giới trẻ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác