(VOV5) - Nét độc đáo của hang động Cát Bà là những quần thể hang động trải dài khắp đảo.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà vừa được Liên hiệp khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản địa chất quốc tế. Với nhiều hòn đảo đá nhô lên từ mặt biển, quần đảo Cát Bà, Hải Phòng, ẩn chứa trong mình những hang động kỳ bí mà ít nơi nào có được. Nét độc đáo của hang động Cát Bà là những quần thể hang động trải dài khắp đảo.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo ước tính của các nhà khoa học hiện nay trên quần đảo Cát Bà có khoảng 150 hang động nằm rải rác trên khắp các hòn đảo. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình vách đá hiểm trở các đảo đá ngoài khơi xa nên đến nay mới chỉ có gần 70 hang động được xác lập, khảo sát và đặt tên.
Hang Quân Y chiếm ưu thế về không gian rộng lớn bên trong. Ảnh: TTXVN |
Hoa Cương, Trung Trang, Quân Y, Thiên Long... là những tên gọi các hang, động lớn ở Cát Bà. Mỗi tên gọi đều gắn với đặc điểm địa chất hay giai thoại lịch sử của mỗi hang động. Như tên Hoa Cương, một trong bốn hàng động lớn ở quần đảo Cát Bà, có những nhũ đá với ánh sáng lấp lánh nhiều màu sắc khi soi chiếu đèn vào tương tự như thế; hay động Thiên Long, hay còn gọi là Phù Long, tọa lạc ở vùng đất có hình dáng của một con rồng. Hang động ở Cát Bà thường không cao so với các núi đá vôi trong rừng trên đất liền, vì thế, sự thẩm thấu của nước mưa để tạo ra các nhũ đá của mỗi nơi cũng tạo ra những vẻ đẹp riêng của mỗi vùng hang động.
Ông Đinh Văn Tùng, Trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường, Vườn Quốc gia Cát Bà, cho biết: "Để hình thành hang động về đây là những vùng xung yếu nhất của hệ thống núi đá vôi. Có hai dạng tác động để hình thành lên hang động. Thứ nhất, là do vùng xung yếu nhất do sự sụt lún rửa trôi. Thứ 2, là do những tác động hóa học do những phản ứng trong không khí ăn mòn. Đối với đá vôi, loại đá này rất dễ bị ăn mòn nên khi những giọt mưa thẩm thấu từ các đỉnh núi xuống đã bào mòn, ăn mòn đá vôi, hòa tan trong nước mưa. Khi đi các rãnh hở đã tạo ra nhũ đá và băng đá."
Động Hoa Cương ở xã Gia Luận. Ảnh: haiphong.gov.vn |
Do đặc thù là các hang động trên đảo đá vôi, gần biển, cùng địa bàn quanh chân núi bị giới hạn nên các loài động vật sinh sống trong hang động ở đảo Cát Bà cũng có nét riêng biệt với nhiều hang động khác. Sống trên quần đảo nhiều nắng, nhiều gió bão nên loài dơi là động vật chiếm đa số trong các loài động vật sống trong hang động ở Cát Bà, cùng một số loại động vật đặc hữu bản địa khác...
Tuy nhiên, ngay cả loài Dơi sống trong hang động ở Cát Bà cũng là loài dơi hiếm chỉ xuất hiện ở vùng biển này. Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc vườn Quốc gia Cát Bà, cho biết: "Trong hang động thì có một số loài sinh sống trong hang. Động Trung Trang có số loài Dơi sinh sống, như: các loài bò sát, ếch nhái. Ngay tại khu vực này thì có hai loài sinh vật đang sinh sống, cư trú là dơi nếp mũi và thạch sùng mí Cát Bà."
Sự khác biệt về động vật đặc hữu, những khác biệt về cấu trúc về các hang động trên đảo đá Cát Bà là yếu tố thu hút du khách. Các hang động ở Cát Bà được chia làm 2 nhóm cấu trúc chính, đó là nhóm hang động có một cửa và nhóm hang động có từ 2 đến 3 cửa ra vào. Nhóm hang động có một cửa rộng lớn, cấu trúc đa dạng, có hệ thống nhũ đá bằng đá độc đáo, như: động Hoa Cương ở xã Gia Luận, động Thiên Long ở xã Phù Long.
Ông Đinh Văn Tùng, Trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường, Vườn Quốc gia Cát Bà, cho biết: Nhóm hang động có từ 2 đến 3 cửa, như: động Trung Trang, hang Tiền Đức và động Hùng Sơn... xuyên qua lòng núi và có chiều dài từ 200 mét-400 mét, với có các khối nhũ đá, măng đá mang hình thù đẹp và xuất hiện theo từng cụm lớn trong lòng hang động.
Ông Đinh Văn Tùng cho biết: "Sự thay đổi về màu sắc thì nó phụ thuộc vào sự hình thành hệ thống nước mưa thẩm thấu. Khu vực nào nhiều nước thì cấu trúc kiến tạo của hệ thống sẽ lung linh hơn, rất nhiều màu sắc đẹp. Hơn nữa, đá vôi đá trầm tích thì cấu trúc không đồng nhất , có sự thay đổi về tầng địa chất. Chính vì đó, khi bị rửa trôi thì có rất nhiều các khoáng chất khác nhau trong hệ thống núi đá vôi này. Màu sắc của nhũ đá thì nó không đồng nhất."
Nếu như động Trung Trang nổi trội về vẻ đẹp của nhũ đá hay chiều dài và hang Quân Y chiếm ưu thế về không gian rộng lớn bên trong... thì hang Thiên Long và động Hoa Cương lại ghi dấu ấn riêng bằng các di tích khảo cổ chứng minh sự xuất hiện của con người từ xa xưa. Hệ thống hang động ở Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất của thiên nhiên. Sự xuất hiện của các hạng động là minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển của địa chất nơi đây.