Chùa Trường Sa - ấm áp khi có sư trụ trì

Chùa Trường Sa - ấm áp khi có sư trụ trì - ảnh 1
Chùa ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mỹ Giang

(VOV) - Vào tháng 4 này, sáu nhà sư đầu tiên của tỉnh Khánh Hoà sẽ chính thức có mặt ở quần đảo Trường Sa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của quân và dân trên đảo. Đây là tâm nguyện của các vị chư tăng và được UBND tỉnh Khánh Hoà chấp thuận. 

Sắp 1 mâm những qủa bưởi, quả táo còn tươi mới, được gửi ra từ đất liền, chị Trần Thị Hoa cùng 2 con nhỏ thành kính dâng lên đức Phật ở chùa Trường Sa lớn. Gia đình chị là 1 trong những hộ dân đầu tiên ra thị trấn Trường Sa lập nghiệp. Lúc mới đầu ra đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, khi đó chùa chưa được sửa chữa. Những ngày lễ Tết, muốn đến thắp nén hương cho lòng thanh thản cũng khó khăn. Nhưng mấy năm nay, chùa được trùng tu lại, bà con nhân dân và chiến sỹ đã có một nơi thờ tự khang trang. Chị Trần Thị Hoa cho biết: “Nhờ có chùa  mà những ngày lễ, Tết, ngày rằm tôi được đi lễ chùa như ở đất liền. Đi lễ, cầu xin cho mọi điều tốt đẹp cho cuộc sống gia đình, tôi thấy thanh thản hơn nhiều. Nói chung khi đã có đầy đủ cả đời sống vật chất và tinh thần thì thấy cuộc sống không khác gì ở đất liền…”

Nhiều năm nay, ông Nguyễn Tấn Thi, Tổ trưởng dân phố thị trấn Trường Sa Lớn được tín nhiệm giao việc trông nom, chăm sóc ngôi chùa ở đảo Trường Sa lớn. Ngày hai buổi, ông cần mẫn quét dọn, chăm nom đèn nhang sớm tối, gióng lên những hồi chuông ngân nga giữa gió ngàn, sóng nước. Ông Thi tâm sự: từ khi chùa và các công trình văn hoá, lịch sử được xây dựng lại đã giúp cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo có nơi lễ phật vào những ngày rằm, mùng một. Tận tâm, tận lực với chùa là thế nhưng trong thâm tâm, ông vẫn  nghĩ, việc làm của mình là tạm thời trong khi chờ các sư ra đảo: “Trong thời gian tạm thời chưa có sư thầy trụ trì, thì hàng ngày sau giờ làm việc và khoảng bốn giờ sáng thì tôi lại lên chùa quét dọn và thỉnh chuông chùa. Tiếng chuông chùa ở bất cứ đâu nó cũng thấm sâu vào lòng người. Với phong tục của người Việt mình thì dù là ở bất cứ đâu khi có những công trình tâm linh thì mình cảm thấy rất là ấm áp và gần gũi với cuộc sống…”

Quần đảo Trường Sa hiện có ba ngôi chùa, một ở Trường Sa Lớn, một ở Song Tử Tây và một ở Sinh Tồn. Các ngôi chùa ở Trường Sa, ngoài điện thờ Phật còn có bàn thờ anh hùng, liệt sĩ, những thế hệ người Việt đã hy sinh để bảo vệ biển đảo.  Người dân Trường Sa đã nhiều lần thỉnh nguyện với các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh, xin được cử các thầy ra đảo để đời sống tâm linh của Phật tử có chỗ nương nhờ. Xuất phát từ mong ước chính đáng đó, sáu vị chư tăng của tỉnh Khánh Hoà đã đề đạt nguyện vọng của mình và được chấp thuận ra đảo. Đại đức Thích Giác Nghĩa- một trong sáu nhà sư đầu tiên ra đảo cho biết: “ Ra ngoài đó để chúng tôi tu tập và hướng dẫn bà con phật tử tu tập. Chúng tôi đã được ra ngoài đó ba lần để cầu siêu cho anh hùng liệt sĩ, nhân dân, đồng bào trải qua các thời đại đã nằm xuống. Chúng tôi muốn đem tình thương của đạo Phât, lòng từ bi của đạo Phật, đem sự oai thần của Tam Bảo để cầu nguyện cho họ siêu thoát. Qua các buổi lễ đó, quân dân ngoài đảo đã mời chúng tôi ra đảo và chúng tôi phát nguyện ra đó. Đó là nguyện vọng duy nhất của chúng tôi đối với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mình”.
 

Những am thờ - tiền thân của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đã chứng minh rằng, từ rất xa xưa, đạo Phật đã tồn tại ở đây. Vì vậy, việc ra Trường Sa hành đạo của sáu vị chư tăng như là sự tất yếu trong việc kế tục việc làm của tiền nhân. Đó là khẳng định của Hoà thượng Thích Gia Quang- Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam. Hoà thượng Thích Gia Quang nói: “ Do nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là nhu cầu về phật giáo của bà con ta đang sinh sống tại đạo Trường Sa và xuất phát từ truyền thống của Phật giáo Việt nam là đạo pháp- dân tộc nên ở đâu có phật tử, ở đó có nhu cầu phật pháp thì Giáo hội sẽ đáp ứng. Nếu chùa có sư thì sớm tối sẽ có tiếng chuông, tiếng mõ niệm phật cầu cho quốc thái dân an và hướng dẫn giáo lý cho bà con phật tử ở đó để họ có cuộc sống tốt hơn.

Trường Sa đã có chùa khang trang, nay lại có sư trụ trì. Đó không chỉ ước nguyện của quân và dân trên đảo mà còn là mong muốn của nhân dân nơi đất liền. Người Việt dù sống ở nơi đâu cũng có nhu cầu tâm linh. Và sáu vị sư ra đảo lần này đều có chung suy nghĩ: “Chúng tôi ra Trường Sa hành đạo là để chia sẻ với Phật tử, với đồng bào nơi đầu sóng ngọn gió. Họ cần nghe một tiếng chuông chùa để thấy Tổ quốc luôn ở bên mình./.


Phản hồi

TRẦN THỊ HẢI NGÂN

DÒNG THỜI GIAN TRÔI(Phật tử Bổn Hà Kính dâng Thầy Đức Hỷ đi Trường sa)Kính bạch Thầy con vẫn biết,Một ngày là hăm bốn tiếng... Xem thêm

Các tin/bài khác