Di sản văn hoá biển, đảo – Mũi nhọn phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi

(VOV5) -  Tỉnh Quảng Ngãi xác định thương hiệu du lịch bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh.

Với tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm và du lịch sinh thái làm nền tảng để phát triển ngành du lịch bền vững.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Huyện đảo Lý Sơn luôn là địa điểm hấp dẫn du khách, đặc biệt là dịp hè. Đến Lý Sơn dịp này, ngoài cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với biển, đảo, núi lửa triệu năm hoang sơ, hùng vĩ, du khách có cơ hội khám phá kho tàng văn hoá độc đáo được dân đảo lưu giữ hàng trăm năm nay, như: Lễ hội cầu ngư, đua thuyền tứ linh, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa…
Di sản văn hoá biển, đảo – Mũi nhọn phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi - ảnh 1Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân Lý Sơn lưu giữ hàng trăm năm nay.
Ảnh: VOV

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng đến với Lý Sơn trong mùa du lịch năm nay, du khách  được tận mắt nhìn thấy hàng trăm hiện vật, tư liệu quý trưng bày tại triển lãm “Lý Sơn- Di sản văn hoá biển, đảo”. Đây là những bằng chứng quý báu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

"Qua hoạt động trưng bày này, chúng tôi muốn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người, những nét văn hoá liên quan đến yếu tố lịch sử, chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Một điểm đến thu hút khách du lịch khác là Sa Huỳnh, Thị xã Đức Phổ, cực nam tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây có bờ biển dài với biển xanh, cát vàng, những đồng muối trắng tinh, cuộc sống dân dã của cư dân bản địa, các món hải sản tươi ngon… Những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, như: Mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng, hòn Đụn, hòn Châu Me; hay đầm An Khê - đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ). Đây là một trong những nơi hình thành văn hóa Sa Huỳnh và xung quanh đầm An Khê là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh: Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh…
Di sản văn hoá biển, đảo – Mũi nhọn phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi - ảnh 2Du ngoạn trên đầm An Khê - Sa Huỳnh. Ảnh: VOV

Bên cạnh đầm An Khê là làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ. Gò Cỏ nằm trong một thung lũng ven biển Sa Huỳnh, là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Đến đây, du khách bị cuốn hút bởi sự hoang sơ, kỳ bí, không gian sống cổ xưa cùng những phong tục, tập quán, làn điệu dân ca mộc mạc… và được tham quan nhiều di tích gắn với nền văn hoá cổ Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, chia sẻ những nét độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh: "Sa Huỳnh gắn với những làng muối mà ở các nền văn hoá khác không có. Muối có lẽ là con đường trước cả Con đường Tơ Lụa, Con đường Gốm Sứ. Đấy là sinh tồn của con người, gắn chặt với đời sống con người, sự trao đổi giữa miền xuôi với miền ngược, giữa hai miền nam, bắc với miền trung. Tôi nghĩ rằng, đấy là một trong những thế mạnh của Sa Huỳnh. Giao lưu của Sa Huỳnh với Đông Sơn rất mạnh, giao lưu của Sa Huỳnh với các văn hoá tiền sơ sử ở lưu vực sông Đồng Nai ở Nam bộ cũng rất mạnh. Thế mạnh của Sa Huỳnh từ biển lên đến miền núi, cao nguyên."

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Di tích Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt (29/12/2022) là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa Sa Huỳnh:                    

"Trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là Thị xã Đức Phổ, trước tiên phải bảo quản, giữ gìn các di tích trên địa bàn, nhất là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có đầm An Khê, các khu vực lân cận. Chúng ta phải gìn giữ, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan của khu di tích."

Du khách đến với Quảng Ngãi, rất thích thú khi trải nghiệm những hoạt động văn hoá biển, đảo. Anh Trần Thanh Mẫn, du khách ở Hà Nội, chia sẻ: "Quảng Ngãi không chỉ có bờ biển đẹp với nhiều thắng cảnh độc đáo. Khi đến Quảng Ngãi, tôi có dịp trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo di sản văn hóa biển, đảo gắn với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, văn hóa Sa Huỳnh, tàu cổ đắm… Và còn nhiều kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo khác, nếu có dịp, tôi sẽ dành thời gian để khám phá."

Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, cải thiện vị thế của Quảng Ngãi trong bức tranh du lịch vùng và cả nước.

Tỉnh Quảng Ngãi xác định thương hiệu du lịch bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh, nổi bật tính đặc trưng, giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch chủ đạo là biển, đảo và văn hóa Sa Huỳnh, lấy Lý Sơn làm hạt nhân để phát triển du lịch biển đảo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác