Địa đạo Vịnh Mốc “Một thế giới bên dưới cuộc chiến”

(VOV5)- Không thể dùng từ gì đắt hơn đối với địa đạo Vịnh Mốc bằng tên một bộ phim cùng tên của đạo diễn Janet Gardner nổi tiếng khi bà nói về cuộc sống của những người dân vùng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh đã đi qua và địa đạo Vịnh Mốc trở thành một di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam. Chỉ một lần đến Vịnh Mốc, du khách sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh.  

Địa đạo Vịnh Mốc “Một thế giới bên dưới cuộc chiến” - ảnh 1
Hầm chữ A ở địa đsọ Vĩnh Mốc - Ảnh: Linh Sơn/thcsttgiolinhqt.edu.vn

Nếu hành trình từ Bắc vào Nam bằng đường bộ trên quốc lộ 1A, cách cầu Hiền Lương, cây cầu phân chia giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Bắc- Nam trong chiến tranh vài km, rẽ trái đi ra gần sát biển là tới địa đạo Vịnh Mốc. Trên con đường rợp bóng tre xanh mát, giữa tiếng sóng biển ồn ào từ xa vọng lại, ít ai biết được, ngay bên dưới chân họ là cả một hệ thống địa đạo, “một thế giới” riêng của quân và dân Vĩnh Linh chiến đấu suốt thời gian từ năm 1965 đến 1972. Giới thiệu về địa đạo Vịnh Mốc, chị Lê Thị Tố Hoài, hướng dẫn viên và cũng là người con của làng hầm Vĩnh Linh, cho biết: “Địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh. 114 địa đạo này có tổng chiều dài gần 42km. Tuy nhiên đây là công trình tiêu biểu nhất so với 114 địa đạo. Địa đạo Vịnh Mốc ra đời không chỉ là nơi phòng tránh an toàn cho hàng trăm con người mà còn là trạm trung chuyển lương thực và vũ khí rất là quan trọng cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Địa đạo được khởi công đào từ năm 1966 cho đến năm 1967 hoàn thành.”

Giữa cái nóng như rang của mùa hè Quảng Trị, bước chân vào lòng địa đạo là một cảm giác mát lạnh. Hệ thống gió thông thoáng và mát khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Chính yếu tố đảm bảo thông hơi, thông khí một cách an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu trong lòng địa đạo là một yếu tố quan trọng nhất của địa đạo. Đi sâu vào lòng địa đạo, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, du khách nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại cũng như sự phân bố chính xác và khoa học đối với từng vị trí, nơi ở và sinh hoạt trong địa đạo.

Địa đạo Vịnh Mốc “Một thế giới bên dưới cuộc chiến” - ảnh 2
Giếng thông khí (giếng trời) - Ảnh: Linh Sơn/thcsttgiolinhqt.edu.vn.

Sức sống của công trình này chính là sức sáng tạo của người dân nơi đây đã làm nên sự khác biệt trong lòng địa đạo. Họ đã biến lòng đất thành những pháo đài vững chãi với 3 tầng liên thông. Tầng một cách sau mặt đất từ 12 đến 15m, là nơi nhân dân sinh sống. Tầng 2 sâu 18m là Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự. Tầng 3 sâu 22m, dùng làm kho chứa hậu cần, cung cấp lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ gần đó và phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, cho biết đây là một di tích độc đáo có một không hai: “Địa đạo được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vĩnh Linh là chiến trường ác liệt nhất nên  nhân dân không thể sống trên mặt đất mà tất cả phải chuyển xuống sống trong lòng đất và sáng kiến đào địa đạo để duy trì cuộc sống, hầm trú ẩn, sinh hoạt, thậm chí địa đạo Vịnh Mốc còn có nhà hộ sinh. Trong mấy năm đó thì có 17 cháu bé đã được sinh ra. Không chỉ là căn cứ chiến đấu của bộ đội mà còn là làng hầm, tất cả cuộc sống được chuyển vào lòng đất, từ y tế, nấu ăn, sinh hoạt gia đình, có giếng nước, có hội trường để sinh hoạt.”

Trong những năm chiến tranh gian khổ, để bảo toàn lực lượng và sẵn sàng chiến đấu, người dân và những chiến sĩ ở địa đạo thường không ra ngoài. Bởi, địa đạo bản thân nó đã là “một thế giới” riêng bảo đảm cho những sinh hoạt tối thiếu. Không ai có thể tưởng tượng được rằng trong một chiều dài trục chính với gần 2km, thời điểm đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Những con số này càng thể hiện lên sức mạnh quật cường của con người Việt Nam trong những năm chiến tranh dưới mưa bom, bão đạn. Chị Lê Thị Tố Hoài cho biết: “Có rất nhiều đoàn tìm hiểu di tích trước khi tới nhưng cũng có những đoàn chưa biết gì cả. Nhưng khi tới đây, tham quan di tích thì có chung một cảm xúc quá sức tuyệt vời. Có các đoàn du khách Mỹ hay các nước đã từng tham chiến tại đây, họ nghĩ ở ngoài này có hầm hào để phòng tránh bom đạn, tuy nhiên không ngờ nó vĩ đại như thế này. Họ không ngờ chỉ bằng đôi bàn tay, những con người bình dị chất phác dùng phương tiện thô sơ nhưng đã làm nên một hệ thống phòng tránh bom đạn và đặc biệt là có thể tránh được các loại bom hiện đại của Mỹ.”

Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng có một thế giới sống và chiến đấu biệt lập ở trong lòng đất như thế. Và đối với những du khách nước ngoài, sự sáng tạo và sức mạnh quật cường của một dân tộc chính là được biểu lộ qua những thử thách và những công trình vĩ đại như thế. Một du khách người Italia khi tham quan xong địa đạo Vịnh Mốc chia sẻ cảm xúc. “Mọi việc đã xẩy ra và giờ nhìn lại thấy ngạc nhiên vô cùng. Chúng tôi được tận mắt thấy được nơi đây và vô cùng ngưỡng mộ con người và cảnh vật nơi đây cũng rất đẹp. Người Việt Nam rất là thông minh.”

Ngày nay, địa đạo Vĩnh Mốc là một trong hơn 100 địa đạo còn nguyên vẹn của tỉnh Qủang Trị. Địa đạo Vịnh Mộc là di tích lịch sử văn hóa mang trên mình nhiều giá trị mà trong đó giá trị về giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự sáng tạo trong chiến đấu của cha ông là một bài học lớn nhất cho các thế hệ người Quảng Trị nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Phản hồi

Các tin/bài khác