(VOV5) - Ngôi nhà nhỏ của giáo sư Dương Viết Á, một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành Mỹ học Việt Nam nằm ngay cạnh Học viện âm nhạc Việt Nam được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Trong căn nhà này, ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá cao như Nguyên lý Mỹ học, Phương pháp luận viết luận văn âm nhạc, Âm nhạc-Lý luận và cây đời, Theo dòng âm thanh, cái đẹp sải cánh....
Nhấn vào thanh âm thanh để nghe nội dung phóng sự:
Ấn tượng đầu tiền khi gặp giáo sư Dương Viết Á, đó là khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt tinh anh. Mái tóc bạc trắng cùng với giọng nói mang âm sắc miền Trung khiến người đối diện nghĩ đây là ông già chất phác ở thôn quê hơn là một giáo sư uyên bác. Trong câu chuyện kể về mình, ông nói rằng mọi thành công trong sự nghiệp là do ông được sinh ra tại một vùng giàu âm hưởng dân ca của tỉnh miền trung Quảng Bình: “Nếu nói đầy đủ thì cũng phải biết ơn đến quê hương sinh thành có điều kiện, vì đó là một làng hay ca hát. Do làng đó cũng có giao lưu với thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Ngoài làm ruộng, nghề nông ra thì ngồi dệt vải, kéo sa… nghề thủ công thôi. Do đó các anh các chị ngồi hát hò, có lẽ cái nguồn đó nhập vào. Tôi lớn lên trong thời kỳ tân nhạc trước cách mạng tháng 8, tân nhạc phát triển rất mạnh. Ở lớp lớn hơn họ ngồi quay sa, dệt vải và hát hò nên có tác động. Nhiều bài mình biết qua tân nhạc là qua phong trào ấy, ca hát của nhân dân. Lớn lên rồi cũng từ đó và phong trào học nhạc cũng bắt đầu như vậy.”
|
Bức tượng chân dung Giáo sư Dương Viết Á |
Cách nói chuyện, diễn giải của giáo sư Dương Viết Á nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm vô cùng. Từ những câu chuyện thường ngày của đời sống xã hội cho đến những vấn đề thuộc về văn hóa, thẩm mỹ đều được giáo sư nhìn nhận đa chiều, mang hơi thở thời đại. Sự nghiệp của nhà giáo Dương Viết Á chuyển hướng khi ông tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, nhưng lại được phân công về giảng dậy tại trường Âm nhạc Việt Nam bây giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Rồi chính ở môi trường này, những nghiên cứu về mỹ học bắt đầu hình thành và phát triển: “Tôi nghĩ mình là dân văn mà lại vào trường nhạc, liệu có cái gì văn trong nhạc không? Đó là ý nghĩ để tìm đường. Âm nhạc đều là những cây đại thụ như vậy, mình có là cái gì đâu? Tôi nghĩ văn trong nhạc như thế nào, văn với nhạc như thế nào? Tôi cứ thế suy nghĩ. Đó là những năm sơ tán 1967, khi đó trường tôi lên sơ tán trên Bắc Giang thì mới nghĩ đến vấn đề văn trong nhạc và nghiên cứu về văn trong nhạc như thế nào. Bắt đầu đã thành chuyên đề, còn lúc đầu chỉ là ý nghĩ, sau đó ý nghĩ cứ chất chồng lại rồi suy nghĩ thêm để xây dựng thành ngành ca từ. Từ là một thứ thơ để phổ nhạc. Tôi viết cuốn sách về ca từ học, bắt đầu đề cương, đến năm 1967 thì bắt đầu phác thảo, năm 1977 thì in được 2 chương trên tạp chí Nghệ thuật của Viện Nghệ thuật. Lúc đầu mới ra người ta cũng chưa dùng, nhưng cuối cùng thấy có vẻ có lý và đến hiện nay thì tương đối phổ biến”.
Giáo sư Dương Viết Á đã lựa chọn nghiên cứu lý luận, tức là lựa chọn cách tiếp cận âm nhạc bằng góc độ từ bên ngoài soi vào. Âm nhạc có phần lời ca, vì thế ông nghiên cứu về ngôn ngữ văn chương trong âm nhạc và ông được xem là người đầu tiên sáng lập ra môn học mới, môn Ca từ học. Không chỉ nghiên cứu về âm nhạc bằng cách tiếp cận từ văn học, giáo sư Dương Viết Á là người luôn mong thay đỏi, sáng tạo ra những góc tiếp cận mới. Năm 1960-1962, sau khi tham gia lớp nghiên cứu sinh về mỹ học của chuyên gia Liên Xô, ông bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về cái đẹp trong âm nhạc và đã xây dựng thành công một chuyên ngành mới: Mỹ học âm nhạc. Nghiên cứu Mỹ học nên thế giới quan của giáo sư luôn tràn ngập về cái đẹp, về tình yêu, sự lạc quan và niềm tin. Giáo sư cười hiền hậu bảo rằng dù có giỏi thế nào mà không được sự chăm sóc, quan tâm của bà Lê Thị Kim Hương, vợ ông, thì khó lòng thành công. Bà là dược sỹ, không biết gì về âm nhạc nhưng lại là người đầu tiên đọc bản thảo cho ông. Ở cái tuổi xế chiều rồi mà bà vẫn tự thấy nhiều lúc chưa chăm sóc ông chu đáo: “Ông vẫn bình thường thế. Khi nào cũng dễ tính. Mình chăm sóc ông cũng không được chu đáo lắm nhưng không bao giờ ông phiền hà gì. Thứ 2 là bà làm cái gì ông cũng khen ngon. Thời gian ông nghiên cứu, bỏ bao nhiêu thời gian, công sức vào các công trình nhưng bà không hề kêu ca một tiếng nào. Bà vẫn ủng hộ, vui vẻ”.
|
Vợ chồng GS Dương Viết Á |
Năm 2012, là năm đặc biệt vì ông được nhận giải thưởng Nhà Nước. Đây là niềm vinh dự vì giải thưởng là sự ghi nhận quá trình nghiên cứu, học tập, sáng tạo của ông. Nhưng với vị giáo sư già này, niềm vui lớn hơn đó là được tiếp tục theo đuổi nghiên cứu những công trình đang ấp ủ. Ở cái tuổi 80 rồi, ông tự nhận mình là: “Một ông già vẫn thích đọc, muốn viết và thèm viết”./.