Giáo sư Vũ Khiêu bước sang tuổi 97: Cánh đồng, dòng sông, cổ thụ...

Có nhiều hình ảnh để ví về hành trình lao động của con người: cánh đồng, dòng sông, cổ thụ. Tôi thấy giáo sư, Anh hùng Lao động (GS, AHLĐ) Vũ Khiêu cũng ứng với những so sánh trên, và kì lạ, tất cả nơi ông vẫn là “đang” tiếp diễn.

GS đang vắt dồn, sáng tạo ở tuổi sắp "thập tuần đại khánh". Ngày hôm nay 19/9, ông tròn 96 tuổi.

1. Trên chặng đường dài của phận kiếp gần 1 thế kỷ, Vũ Khiêu đã sống bằng động lực của một người cộng sản yêu nước muốn “góp phần vào hạnh phúc của mọi người” trong nhiều vai trò: nhà sư phạm, nhà báo, nhà mỹ học, triết học, dịch giả. Một sự nghiệp đồ sộ sản sinh lượng tác phẩm giá trị lớn vượt ngưỡng học hàm, danh hiệu “giáo sư, Anh hùng lao động”.

Những giải thưởng cao quý mà ông đã nhận, với số đông là mơ ước, danh giá để “trưng” ra. Còn ông, lại thường trực giấu. Thời buổi mà không ít người coi những “mác hiệu”, học giả Vũ Khiêu lại luôn dùng bút gạch đi những câu từ có ý ca ngợi mình ở các bài viết mà ông có thể đọc duyệt. Danh thiếp của ông chỉ in tên “Vũ Khiêu” và số điện thoại, địa chỉ. Có dịp gần ông, tôi càng nhận ra, sự giản dị cao quý kia một biểu hiện của hiện thân văn hoá uyên bác.

 Giáo sư Vũ Khiêu bước sang tuổi 97: Cánh đồng, dòng sông, cổ thụ...  - ảnh 1


Sáng 19/9, tại Hội trường lớn Bộ VH,TT&DL, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc phối hợp cùng báo Công an nhân dân tổ chức tọa đàm và tiệc mừng nhân sinh nhật GS Vũ Khiêu (19/9/1916). Ý tưởng này được GS Hoàng Chương và nhà văn Hữu Ước bàn và thống nhất từ hôm 3/9, khi cùng GS về quê ông dự lễ khai giảng trường THPT Cao Phong.

2. Một “mâu thuẫn biện chứng” trường kỳ nơi nhà triết học này: ông quý nhất thời gian, còn nhiều dự định cá nhân trong viết sách, nghiên cứu, từng kế hoạch, lịch biểu chặt mỗi ngày, nhưng luôn hào hiệp đỡ những người thực sự cần mình.


Từ đầu năm tới nay, GS đã phát hành 2 cuốn sách quý “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng” (135 trang, NXB Khoa học xã hội) tập hợp những bài văn bia do GS Vũ Khiêu viết cho các nghĩa trang, khu tưởng niệm suốt dọc Trường Sơn. Ông là tác giả nhiều bài minh trên chuông ở Trường Sơn, đền liệt sĩ các huyện tại Nam Định, Quảng Ngãi, Côn Đảo; văn bia tại đền vua Lê ở Hoa Lư, Ninh Bình, văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai. GS không chỉ quan tâm những người đang sống mà luôn canh cánh về hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Đọc lời giới thiệu của bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, tôi mới biết, năm 2009, GS Vũ Khiêu đã dành lương hưu in 6.000 cuốn để gửi các địa phương, dâng lên nhiều đền thờ, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ khắp cả nước. Tháng 3/2012 này, sau khi hoàn chỉnh, bổ sung, GS lại bỏ tiền túi in 3.000 cuốn, tiếp tục gửi biếu các địa phương, đền liệt sĩ.

Am tường lịch sử, thế cuộc cùng lòng yêu nước, xót thương và trân trọng sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã khiến GS Vũ Khiêu viết lên bao lời văn, câu đối bi tráng, thẫm toả chất nhân văn, tôn vinh những  người trai chết trận vì chính nghĩa là những anh hùng bất tử mà linh hồn họ nhập vào hồn thiêng dân tộc.

Tháng 5/2012, GS cho xuất bản tiếp tác phẩm “Hồ Chí Minh – ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” (NXB Chính trị quốc gia), viết về Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức, văn hoá và con người, nghệ thuật và tôn giáo, với thương binh liệt sĩ.


3. Hôm tôi đến thăm ông 11/9, ông đang làm các câu đối trên cổng chính, hoành phi cho 4 cổng các phía của khu di tích Tây Sơn, Bình Định, đặt tên là “Kính Thiên đàn”. Đầu tháng 10, cuốn Đẹp (1963) của người sáng lập ngành mỹ học Việt Nam tái bản (NXB Hà Nội). Tác phẩm“Anh hùng và nghệ sĩ” (1970, tái bản 1972, 1975) cũng sắp ấn hành lần ba (NXB Khoa học Xã hội). Bộ sách đồ sộ Văn hiến Thăng Long (2.400 trang, 3 tập) mới in một tập, sẽ ra trọn bộ cuối năm nay.

GS Vũ Khiêu chính là một người anh hùng và nghệ sĩ. Ông vẫn tiếp tục chiết xuất từ bộ não uyên bác thành các cuốn sách quý; câu chữ tài hoa của ông đã và vẫn gieo khắp đất nước này bằng tâm huyết của người ân tình thiết tha với văn hiến.

Tôi hỏi ông: “Nếu được ước cho mình một điều sẽ thành, trong sinh nhật, ông ước gì?” Cũng như dịp đầu Xuân, ông bình thản khẳng định: “Chẳng ước gì cho mình cả, vì không có gì để mất, cũng đâu mong gì thêm. Tôi thanh thản. Phải đi lúc nào thì đi lúc ấy”.

Không. Người phi thường gần thập tuần đại khánh đầy mẫn tuệ vẫn còn ham và sẽ tận hiến đến cùng. Tôi lại nhớ chiều 4/9 cùng ông về thăm ngôi nhà xưa ở làng Hành Thiện. Từ cổng ngõ, theo lối gạch chỉ vào xóm 9, qua những ngôi nhà vườn phía trước, hồng trĩu cành, nhà GS Vũ Khiêu có vườn phía trước. Đây là nơi ông bà, cha mẹ, anh em ông đã sinh ra và lớn lên. Nhà ngói ba gian chính còn giữ, gian giữa là phòng thờ, bên phải là phòng khách, bày ảnh, đồ lưu niệm. Bên trái là phòng ngủ, để không. Ông cho biết. “Đây chính là phòng tân hôn của cô ruột tôi Đặng Tuyết Nhung lấy ông Phạm Tuấn Tài, chủ Nam Đồng thư xã ở hồ Trúc Bạch, cùng Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc dân Đảng”.


Bước chân GS bước từ bậc thềm xuống sân gạch. Bàn chân ấy lại đã bươn chải dặm dài đất nước, qua Đông Dương đi khắp Đông – Tây Âu, tới Cu Ba. Dù đã mệt, ông vẫn nhất định thăm mộ ông bà, bố mẹ.


Lời khấn của GS Vũ Khiêu ở chùa Keo

Tôi rất ấn tượng về lời khấn của GS khi cùng ông đến chùa Keo Hành Thiện. GS khấn: “Xin Phật độ trì quốc thái dân an, lãnh thổ bảo toàn, không kẻ thù nào xâm lăng được đất nước Việt!”.


Xe ô tô đưa chúng tôi về phía cánh đồng. Nghĩa trang làng xây dựng không quy hoạch, chỉ có một lối đi nhỏ, còn lại các đường ngang hai bên, bị mộ chen chúc chèn hết. Dáng quả quyết, ông dẫn đầu, có dừng lại một lúc định hình do nhiều thay đổi, rồi hướng về phía khu mộ nhà mình. Chen, leo qua các mộ, chân quấn cỏ um tùm, ông vẫn vững vàng, với lòng thành kính. Khu mộ nhà ông có 18 mộ xây đồng bộ, nơi ấy bà Nguyễn Thị Quý (1918 - 1992) vợ ông yên nghỉ. Mộ ông bà, cha mẹ, cô ruột Đặng Tuyết Nhung của ông cùng quây quần một khu.

4. Nói đến ông, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: “Bộ não sáng tạo uyên bác của GS Vũ Khiêu vô cùng quý giá, con người ấy là quốc bảo. Hà Nội may mắn có ông - công dân ưu tú nhất đương thời. Ông là một đại trí thức của Việt Nam, luôn đau đáu với sự nghiệp văn hoá của Thăng Long - Hà Nội. Với tôi, ông như một tượng đài. Tượng đài sống luôn khiến tôi cùng nhiều người kính phục và cảm động’’.

GS Vũ Khiêu đại thọ sang tuổi 97 xuyên qua thế kỷ bằng sự minh triết, giản dị, đức độ của một học giả, nhà văn hoá lớn. Một nghệ sĩ mà cái đẹp toả ra từ mỗi cử chỉ, câu chữ, con người ông luôn toát ra ánh sáng cuốn hút, thanh cao.

Theo Vi Thùy Linh/Thethaovanhoa.vn

Phản hồi

Các tin/bài khác