Kéo co, di sản văn hoá phi vật thể thế giới thứ 10 tại Việt Nam

(VOV5) - Tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO vừa diễn ra tại Namibia, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui đối với cộng đồng nhiều địa phương ở Việt nam, nhất là ở  những nơi người dân vẫn  lưu giữ  nghi lễ và trò kéo co truyền thống. 

Kéo co, di sản văn hoá phi vật thể thế giới thứ 10 tại Việt Nam - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống đã có từ lâu đời và vẫn hiện vẫn được duy trì ở các vùng cư dân trồng lúa, tập trung nhiều ở các nước khu vực Đông và Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, đây là lần dầu tiên Việt Nam phối hợp với Campuchia, Philippines, Hàn Quốc xây dựng hồ sơ liên quốc gia trình Ủy ban văn hóa khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Nghi lễ và trò kéo co ở mỗi nước tuy có cách tổ chức khác nhau, phản ánh những đặc điểm sinh hoạt, lịch sử, văn hóa khác nhau của mỗi dân tộc, nhưng có đặc điểm chung là thường được tổ chức vào đầu năm mới với niềm mong ước cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ở Campuchia, trò chơi kéo co được thực hành thường xuyên bởi ba cộng đồng đại diện sống xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap, nơi gần với khu vực khảo cổ Angkor. Ở Philippine, kéo co được thực hành tại Hungduan, nơi được biết đến với những cánh đồng lúa mênh mông. Ở Hàn Quốc, trò chơi này cũng được thực hành ở nhiều địa phương. Phó Giáo sư, Tiến sỹ  Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, người tham gia xây dựng hồ sơ, cho biết: "Nền tảng của văn hoá Đông Nam Á nằm ở rất nhiều trong nghi lễ và trò chơi kéo co. Đấy là sự cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi người khoẻ mạnh, xóm làng bình yên. Đó là nền tảng của một văn hoá có từ rất xa xưa rồi”.

Ở Việt Nam, trò kéo co khá phổ biến và có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên nghi lễ và trò kéo co  mang đặc điểm truyền thống riêng của địa phương vẫn được duy trì ở một số tỉnh như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng như ở thành phố Hà Nội. Ở những địa phương này, trò chơi kéo co dân gian không thể thiếu vào các dịp lễ, Tết truyền thống. 

Nghi thức kéo co mỗi vùng một cách, thường thì nhiều nơi chia thành hai đội kéo co bằng dây chão. Có địa phương như ở Sóc Sơn, Hà Nội thì thực hành kéo co bằng cây tre già do thanh niên trong làng chuẩn bị trước đó hàng tháng trời cho nghi lễ. Riêng Hà Nội, có trò kéo co ngồi diễn ra nhân dịp hội đền Trấn Vũ ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Ông Lê Văn Cự, thủ từ đền Trấn Vũ, làng Ngọc Trì, cho biết: từ xưa, kéo co ngồi đã là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của dân làng mỗi khi Tết đến, xuân về. Kéo co không chỉ là trò vui xuân, mà còn thể hiện sự thành tâm của người dân, cầu mong Thánh thần phù hộ cho gia đình, làng xóm. Nghe tin kéo co được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, ông Cự và nhiều người dân ở đây rất vui. "Anh em chúng tôi mới biết tin rất là phấn khởi. Chúng tôi thấy rất tự hào về truyền thống kéo co ngồi từ trước đến giờ là các cụ đã để lại. Từ xưa đến giờ dân làng kéo co dưới khu vực nghề Đàng Đông. Các đội kéo co chia thành đội mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa. Trước và sau khi diễn ra kéo co xong chúng tôi có làm lễ thánh" - ông chia sẻ.

Các cụ cao tuổi trong làng Ngọc Trì kể lại rằng phát tích của nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi là nhằm ôn lại một tích xưa, khi làng Ngọc Trì có năm bị hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ duy nhất một giếng còn nước. Sợ người nơi khác đến lấy làm đổ mất nước, nên dân làng phải ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Sau này, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn. Chơi trò kéo co ngồi, người sau phải quàng tay ôm ngang lưng người trước, tạo thành hai dây người hai bên mà kéo. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cho biết thêm: "Tầng sâu văn hoá phi vật thể kéo co đó là điều người ta mong muốn, hi vọng cho tương lai của bản thân và hàng xóm, láng giềng. Cho nên những người tham gia đội kéo co này cũng như người dân họ rất phấn khởi. Câu chuyện thắng thua của họ gần như không có vấn đề mà quan trọng là họ được tham gia và câu chuyện này. Tất cả điều đó tạo nên một nét văn hoá của bà con ở đây. Tôi nghĩ chính vì thế mà giá trị văn hoá phi vật thể của kéo co được tôn vinh".

Cùng với nghi lễ và trò chơi kéo co ở các nước khác, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bởi đây là một tập quán xã hội có giá trị tạo ra sự bình đẳng và có các biểu hiện thực hành đa dạng ở từng quốc gia thành viên. Một số tri thức và kỹ năng về nghi lễ và trò chơi kéo co đã được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu hoặc thông qua quan sát và tham gia trực tiếp vào trò chơi này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác