Làng khéo tay hay nghề Đồng Xâm

(VOV5) - Đồng Xâm, làng nghề chạm bạc nổi tiếng là làng “khéo tay hay nghề” ở Thái Bình. Đến Đồng Xâm hôm nay, du khách sẽ có thêm những trải nghiệm bất ngờ từ ngôi làng có bề dày văn hóa hàng trăm năm. 

Làng khéo tay hay nghề Đồng Xâm  - ảnh 1

Các nghệ nhân đang chạm bạc

Nghe âm thanh tại đây:



Theo hành trình từ trung tâm thị trấn Kiến Xương, qua con đường nhỏ chạy song song bên dòng sông trữ tình thơ mộng, khoảng 10km là du khách đến làng Đồng Xâm, thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

           

Vào làng Đồng Xâm, du khách trước hết có thể  đến thăm đền Đồng Xâm, nơi thờ tổ nghề của làng. Tọa lạc tại trung tâm của làng, đền Đồng xâm là một quần thể kiến trúc uy nghiêm, hoành tráng, gồm 12 công trình với 40 gian nằm trên diện tích khoảng nghìn mét vuông. Đền Đồng xâm thờ cụ Nguyễn Kim Lâu, tổ nghề chạm bạc, người có công khai sáng và truyền nghề chạm bạc cho dân làng Đồng xâm. Cụ Nguyễn Xuân Ngận, thủ từ ngôi đền, cho biết: Đền này trước nhỏ, nhưng rất đẹp, có mái đao uốn cong, còn đền lợp bằng ngói ngói máng, dưới các chân mái đều điểm chữ Thọ màu đỏ. Đến khi Thái Bình tách riêng thành một tỉnh, đền được cho xây lại đẹp hơn và tính đến nay cũng đã hơn 100 năm.

                        

Làng khéo tay hay nghề Đồng Xâm  - ảnh 2

Sản phẩm của làng nghề

Làng Đồng Xâm xưa nay nức tiếng bởi nghề chạm bạc, với những người thợ khéo tay, hay làm. Yếu tố gia truyền và giữ nghề luôn được các thế hệ con cháu của làng gìn giữ. Vài năm trở lại đây, để tạo công ăn việc làm và đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân Đồng xâm không chỉ chạm các sản phẩm từ bạc mà mở rộng ra chạm các sản phẩm từ đồng như: mâm đồng, tranh đồng, các đồ thờ, các linh vật thờ. Trong tiếng búa chạm đồng vui tai, ông Phạm Văn Tư, một nghệ nhân của làng, tâm sự: Nghề này là truyền thống, làm từ đời ông nội tôi. Giữa năm tầm tháng 6-7 thì làm cầm chừng, còn đầu năm và cuối năm thì hàng làm nhiều. Người dân mua sản phẩm của làng dùng cho việc thờ cúng, trang trí, lên nhà mới và làm quà tặng. Đây là nghề truyền thống, cha truyền con nối, bí quyết không thể nói được. Mình nhìn sản phẩm của Đồng xâm là biết ngay của làng.

Làng khéo tay hay nghề Đồng Xâm  - ảnh 3

Đi từ đầu làng đến cuối làng, âm thanh duy nhất chính là những tiếng lách cách đều đặn phát ra từ chiếc búa đập vào các ve, dụng cụ dùng để chạm đồng. Hình ảnh ấn tượng là bàn tay những người thợ điêu luyện di chuyển thoăn thoắt chế tác những tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu đồng. Bà Nguyễn Thị Ngà cho biết: Ở đây mẹ con tôi chỉ làm một khâu dập thôi, sau còn nhiều khâu nữa. Bắt đầu sau khi làm nổi, khâu làm nét, rồi đến làm màu, làm bóng, cuối cùng mới làm phẳng đóng khung. Trẻ mới tập thì dễ hơn, còn đứng tuổi thì làm công đoạn khó còn làm màu thì bà già cũng làm được. Khâu làm nét là khó nhất.

Làng khéo tay hay nghề Đồng Xâm  - ảnh 4

Tùng Chi, con gái của chị Ngà cũng tham gia để học nghề và ban đầu làm những công đoạn đơn giản nhất, cho hay: Mẹ em làm 20 năm nay rồi. Mẹ em nhận hàng đều lắm, không thiếu việc. Em năm nay học lớp 12, nghỉ hè rảnh giúp mẹ.

 
Đồng Xâm không chỉ là làng nghề chạm bạc, chạm đồng  có lịch sử hàng trăm năm, mà còn ấn tượng vì những người thợ tài hoa, cần mẫn theo nghề. Đến Đồng Xâm, để tìm hiểu về một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm bằng bạc, bằng đồng vô cùng tinh xảo, sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ với mọi người.

Phản hồi

Các tin/bài khác