Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

(VOV5) - Ông là người Sài Gòn cuối cùng viết thư thuê và là người duy nhất được nhận danh hiệu "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam" do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Nghe âm thanh bài viết tại đậy:

Ngồi lọt thỏm giữa tòa nhà rộng lớn ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, ông Dương Văn Ngộ, sinh năm 1930, thật nhỏ bé với mái đầu bạc trắng và ánh mắt hiền từ. Suốt 27 năm nay, ông miệt mài tại khoảng không gian như dành riêng cho mình để viết thư tay cho khách. 

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 1Ông Dương Văn Ngộ ở tuổi 87 

Ông Dương Văn Ngộ, một tay cầm kính lúp soi kỹ từng câu chữ, tay kia hí hoáy viết. Đã hàng chục năm nay, ông lão 87 tuổi ấy làm việc bên cạnh tấm biển ghi dòng chữ "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" treo trên một cái bàn. Xung quanh ông luôn có vài người ngồi đợi để đến lượt nhờ viết hộ thư bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 2 Ông dịch giúp chị Hồng.

Buổi sáng hôm ấy, chị Hồ Thị Hồng, nhà ở tận phường 7, quận 8, đến gặp ông Dương Văn Ngộ từ rất sớm: “Ông cho con hỏi giùm cái bưu thiếp này họ gửi về cho con nhưng có phải gửi thực sự hay là người ta gửi khống cho con. Ông nhìn hết giúp con nghe/Nhà cô quận mấy?Dạ nhà con phường 7 quận 8/Quận 8 hả? Bởi vì đây không có rõ ràng, chỉ nói gói hàng này mấy ký lô thôi/Dạ còn ở đây nữa ông. Rồi cước phí nó bao nhiêu bao nhiêu đây thôi/ Gói hàng này là về gia đình. Vậy thôi chứ không có gì hết/Nhưng mà có gửi chứ ông?Cái này có nói là người gửi ở bên Mỹ."

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 3

Tiếp sau chị Hồng, ông Dương Văn Ngộ kiểm tra địa chỉ cho một người khách khác. Rồi ông cẩn thận viết lên địa chỉ lên bì thư cho họ: “Để Cali fornia thì vô lý. California thì 9 mấy ngàn. Còn LA thì đó, địa chỉ sai rồi đó. Không tin được. Còn Alabama, là 3 mấy ngàn. Địa chỉ là bang Alabama đó. Chứ  thêm chữ California ở đây thì vô lý, không thể được.”

Hỏi chuyện chị Hồng về ông Dương Văn Ngộ, chị Hồng cho biết: “Từ hồi 14, 15 tuổi đã xuống nhờ ông viết thư qua nước ngoài rồi đó. Mà giờ là 50 tuổi rồi. Ông ngồi đây lâu lắm rồi. Từ hồi đó tới giờ có chuyện gì đều xuống nhờ ông thôi hà. Thời đó ông không phải như bây giờ. Bảnh trai lắm.”

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 4Khách hàng tin tưởng vào ông, nhiều người đã trở thành thân quen. 

Tuy thành phố Hồ Chí Minh giờ đây có nhiều trung tâm, văn phòng dịch thuật nhưng nhiều người như chị Hồng vẫn tìm đến ông Dương Văn Ngộ để nhờ viết thư gửi đi nước ngoài: “Có gì tin tưởng ông thôi, chứ không có nhờ người khác chứ lỡ viết sai một chút. Cái ý nghĩ của người Việt mình khác người nước ngoài. Cho nên nhiều người biết tiếng Anh nhưng người ta không rành lắm về cái đó. Trường lớp bây giờ khác. Trường lớp ông ngày xưa khác.Ông tiếp xúc với người nước ngoài ngày xưa rất nhiều. Thời đó không phải là mình mà cả cha mẹ mình nữa, cái gì cũng xuống ông.”

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 5

Khi người khách nhờ viết thư cuối cùng đã rời khỏi, ông Dương Văn Ngộ chậm rãi cho biết công việc hàng ngày của mình bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 3h chiều. Trung bình mỗi ngày ông nhận viết từ 5 đến 7 lá thư với giá 5.000 - 10.000 đồng một trang, còn việc dịch thuật hoàn toàn miễn phí: “Kể ra thì dịch thuật bây giờ ít rồi. Bởi vì có internet, có điện thoại nó mau hơn. Nhưng mà có những chuyện khác, chẳng hạn như có người nhờ tôi viết trên bao thơ những địa chỉ gửi đi ngoại quốc, người ta không dám viết, sợ trật, nhất là chép từ điện thoại di động ra. Điện thoại di động không có xuống hàng thích hợp. Thành ra họ sợ sai, họ nhờ tôi chép. Hay là gửi hàng hóa, này nọ, nó có nhiều thứ giấy, người ta giao cho tôi viết. Hay là kêu điện thoại đi ngoại quốc.”

27 năm nay, ông Ngộ luôn mang theo bên mình chiếc cặp đen chứa gần 20 kg đồ nghề dịch thuật. Đó là những cuốn từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, bút lông, sổ tay… Và quan trọng nhất là chiếc kính lúp. Nó giúp ông nhìn rõ những từ ngữ của khách nhờ dịch khi đôi mắt ông không còn tỏ như xưa: “Từ điển là cần lắm. Vì nhiều khi phải tìm từ điển, không nhớ nổi. Mà có khi ở từ điển cũng không có nữa. Thí dụ như vầy. Người ta nói công an, nếu mình dịch cho ngoại quốc mà mình nói công an là người ta không hiểu, phải dịch cảnh sát. Người cảnh sát mới mặc đồng phục. Thành ra nói công an là người ta không hiểu. Hoặc là có những từ hoàn toàn Việt Nam. Chẳng hạn như nói xe ôm. Đâu có cuốn từ điển nào nói xe ôm. Mình phải kiếm cách nói cho người ta hiểu.”

Ông lão giữ nghề xưa cũ ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - ảnh 6Khách ngoại quốc tò mò về ông lão viết thư thuê ở Bưu điện Sài Gòn 

Giữ nghề viết thư tay lâu như thế, ông Dương Văn Ngộ có rất nhiều khách hàng. Ông kể: “Có những người khách hàng thì cũng thân lắm. Tự nhiên mà thân vậy thôi, chứ còn dịch thơ này kia thì cũng bình thường. Họ thấy mình làm kĩ họ mến vậy thôi. Có những người ngoại quốc, một ông đó ông ở Thái Lan, ghé qua ôm chầm lấy tôi. Khách hàng cũng vậy đó. Họ đi có việc chứ không phải thăm tôi. Nhưng thấy tôi họ mừng, làm như mừng cho tôi còn sống vậy đó.( Cười)

Hỏi sao thời gian lâu thế mà ông vẫn cứ đắm đuối với nghề, ông Dương Văn Ngộ cười hiền, trả lời đơn giản “Còn phụng sự cho xã hội là mừng, là ráng làm mà cô.”

Xế chiều, người đàn ông 87 tuổi lom khom xếp gọn đồ đạc, từng bước rời đi. Dáng ông mờ dần trong ánh nắng chói chang chiếu vào khuôn cửa Tòa nhà Bưu điện. 40 năm làm bưu tá và 27 năm giữ ghề viết thư tay, ông Dương Văn Ngộ đã là một phần thân thuộc, một nét rất riêng của Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin/bài khác