Sới vật làng Mai Động đầu xuân

(VOV5)- Đã thành truyền thống từ hàng trăm năm nay, cứ đầu xuân, vào ngày mồng 4 cho đến ngày mồng 7 Tết âm lịch, hội vật võ làng Mai Động lại được tổ chức tại khu vực đình Nghè làng Mai Động, nay thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, phía Nam Hà Nội. Trong tiếng trống rộn rã, khách đi trẩy hội như càng hào hứng hơn, bởi ai cũng muốn đến thật sớm để kịp dự khai hội, thưởng ngoạn nét văn hóa đặc trưng của ngôi làng nổi tiếng đất Hà Thành.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Tương truyền, Hội vật Mai Động ra đời vào thuở danh tướng Nguyễn Tam Trinh (thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-43 đầu công nguyên) đến làng Mai (nay là Mai Động) sinh cơ lập nghiệp. Ông dạy dân trong vùng đấu vật và mở các sới vật để người dân rèn luyện sức khỏe. Cũng dựa vào những sới vật đó, ông chiêu mộ những thanh niên trai tráng khỏe mạnh rồi xin hội quân đánh giặc, giành được nhiều thắng lợi vang dội trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Để tướng nhớ vị danh tướng tài ba này, nhân dân làng Mai Động đã dựng đình thờ  và tôn ông làm Thành Hoàng làng. Truyền thống luyện quân đánh giặc hào hùng ấy không chỉ được ghi danh trong sử sách, qua di tích, di vật lưu lại trong làng mà còn được ôn lại thể hiện qua Hội vật làng Mai Động. Hội vật làng Mai Động là lễ hội lâu đời nhất, có lịch sử ngót 2000 năm còn được duy trì tới ngày nay. Ông Hà Đăng Đống, một trong những thành viên Ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Lễ hội đấu vật này chúng tôi duy trì tổ chức hàng năm và ngày một phát huy tốt hơn về nhiều măt. Từ ngày mống 4 Tết cho đến mồng 6-7 Tết mới hết lễ hội. Mà lễ hội truyền thống này không chỉ có ở đây mà  ở tất cả các tỉnh thành, các đô vật  của các nơi người ta về”

Sới vật làng Mai Động đầu xuân - ảnh 1
Sới vật làng Mai Động - Ảnh: vietlandmarks


Nét đặc sắc nhất của lễ hội vật làng Mai Động còn là quy tụ nhiều đô vật danh tiếng, từ các bô lão, trung niên, từ thanh niên đến các cháu thiếu niên nhi đồng đến từ các “lò vật” nổi tiếng khu vực Hà Nội như: Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Mai Động, Yên Sở..cùng như những đô vật tới từ các tỉnh địa phương khác ở phía Bắc như: Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc...và trải qua thời gian, làng Mai Động trở thành một trong những cái nôi kết tinh võ vật cổ truyền của dân tộc. Ông Hoàng Văn San, cựu đô vật nổi tiếng, năm nay đã gần 80 tuổi, cho rằng: “Môn vật cổ truyền của Việt nam là “ Mẹ” của võ. Võ giỏi nhưng chưa chắc địch được môn vật. Cho nên nói nếu “ thợ võ” là biết ngay. Thợ võ phải xuống tấn, lấy tư thế để mà quăng, thế nhưng vật thì không, đô vật cứ mềm dẻo, nhưng khi đánh nhát nào được nhát ấy nên gọi là tinh hoa. Thế nên khi mà võ hết thời cơ, thì chúng tôi mới vào . Ví dụ như người đánh võ chỉ lên gân được chừng 2-3 phút là trùng  xuống, thì khi ấy chúng tôi mới vào, lúc ấy võ không làm gì được.”


Các cụ bô lão trong làng Mai Động cho biết: Trong các trận đấu vật, thể lực không quan trọng, cũng không có nghĩa cứ đối thủ cao to hơn là thắng, mà trong từng trận đấu, có khi người yếu, nhỏ con hơn vẫn có thể thắng đối thủ mạnh, cao to hơn mình. Thậm chí thua mà vẫn có thể chuyển thành thắng. Bí quyết là sự khôn khéo, linh hoạt, biết chớp thời cơ đúng lúc. Phải chăng đấy cũng là tinh hoa võ vật mà các tướng lĩnh trong lịch sử Việt nam rút ra để lãnh đạo người dân Việt nam chiến thắng nhiều đội quân hùng mạnh từng sang xâm nước Việt nam trước kia. 


Môn vật cổ truyền của Việt nam khi mở đầu bao giờ cũng phải có biểu diễn gọi là “xe đài” hay “Múa Hạc” ( màn chào hỏi trước khi thi đấu ). Theo truyền thống, trước khi bước vào trận đấu thực thụ, hai đô vật phải làm động tác biểu diễn màn chào hỏi. Đây không chỉ biểu diễn những động tác đẹp mắt, mà còn là nghi thức tâm linh của các đô vật  hướng về Tổ tiên, hướng về các vị anh hùng của dân tộc . Động tác xe đài luôn có chuẩn về nghi thức, nhưng lại thể hiện sự phóng khoáng, phong phú không chỉ mang tính khiêu khích đối thủ thi đấu, mà còn thể hiện sự tự tin, sáng khoái mỗi khi bước vào trận đấu.


Các trận đấu luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong tiếng hò reo cổ vũ hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Trên sới vật, từng cặp đô vật thân hình cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ đang khua chân, múa tay để rình miếng nhau, chỉ đợi đối phương sơ hở là lao vào vật ngửa đối thủ. Xung quanh sới vật, người già, trẻ em, thanh niên trai tráng cũng hồi hộp dõi theo diễn biến trận đấu và không quên vỗ tay tán thưởng những miếng vật hay, độc đáo. Những cuộc thi tài của các đô vật nhí thường được tổ chức sen kẽ giữa các cuộc đấu vật chính thức. Những trận đấu của các đô vật nhí thường nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ, kèm theo tiếng cưới sảng khoái cho khán giả. Đô vật nhí, Nguyễn Hữu Nam năm nay 10 tuổi như rất nhiều bé trai trong làng  rất mong ngóng được đến dự hội, hồ hởi nói: “Mỗi khi Tết đến có lễ hội đấu vật này cháu rất vui. Cháu đến hội vật này cùng bố cháu. Cháu cũng thi đấu,  được giao lưu với các bạn khác.”


Các đô vật tranh tài ở các giải quan trọng là giải Ba, giải Nhì và giải Nhất, xen kẽ là các giải Lèo, giải Nhí. Cứ thắng tuyệt đối đủ “ba keo” là người giành giải nhất. Bên cạnh giải thưởng hấp dẫn của giải, phần thưởng còn được tăng thêm từ sự gia tâm của các khán giả. Có lẽ bởi thế, hội vật dân tộc truyền thống làng Mai Động luôn hấp dẫn, không chỉ là trò chơi, môn thể thao, mà còn là nét đẹp trong lễ hội dân gian Việt nam, góp phần phát huy tinh thần thượng võ cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc.

Phản hồi

Các tin/bài khác