(VOV5) -Những đêm diễn tấu Piano của bà dưới ánh trăng nơi sơ tán đã gieo mầm cho tình yêu âm nhạc cho các con.
Có một nghệ sỹ đã gắn bó với cây đàn Piano gần một thế kỷ. Đó là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên. Bà là một trong 7 nghệ sỹ, nhạc sỹ có công sáng lập Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cũng là người có công lớn trong việc truyền cảm hứng âm nhạc, đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ những nốt nhạc đầu tiên lúc 4 tuổi, cây đàn piano đã trở thành tình yêu và lẽ sống trong cuộc đời của Nhà giao Nhân dân, Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên. Gắn bó với cây đàn piano trọn một thế kỷ, ở tuổi 100, nghệ sỹ nhân dânThái Thị Liên vẫn hàng ngày lướt tay trên những phím dương cầm, bất chấp mọi khoảng cách, bất chấp thời gian và tuổi tác…
NGND Thái Thị Liên biểu diễn trên sân khấu Học viện Âm nhạc Quốc gia. |
Xuất thân trong một gia đình trí thức danh giá ở Sài Gòn, chọn con đường biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, gần như cả đời mình, Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên dành trọn vẹn tình yêu cho âm nhạc…
Năm 16 tuổi bà có buổi biểu diễn ra mắt công chúng đầu tiên tại tòa thị chính Sài Gòn. Năm 1945 bà sang Pháp du học, sau chuyển đến sống tại Praha, Tiệp Khắc ( nay là CH Czech) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha. Năm 1951 bà về Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp. Năm 1956, bà cùng 7 nhạc sỹ sáng lập ra trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và là chủ nhiệm khoa Piano cho tới khi hưu năm 1977.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay, chia sẻ:
"Khi trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập thì tất cả xuất phát từ con số 0, với một người tốt nghiệp âm nhạc ở Tiệp Khắc trở về, bằng tâm huyết, bằng tình yêu, bằng sự đam mê của mình, bà đã tự tay biên soạn ra bộ giáo trình để dạy Piano. Đây là sách dạy dàn Piano đầu tiên. Trong giáo trình này có điểm rất đặc biệt, khi bà đã đưa đến 60% lượng các bài chuyển thể từ các làn điệu dân ca, lấy yếu tố dân tộc để đưa vào giảng dạy piano chuyên nghiệp.
Những năm tháng chiến tranh, trường âm nhạc phải đi sơ tán, vừa dạy học, vừa nuôi con, đôi vai gầy của “người đàn bà Piano” ấy vẫn không gục ngã. Cuộc sống thiếu thốn, có những lúc vừa dạy đàn Piano vừa trông chừng máy bay địch, bà phải tổ chức dạy cho học sinh theo kiểu du kích: Trò này học, trò khác phải cảnh giới máy bay. Tuy gian khổ và căng thẳng vì máy bay địch rình rập, nhưng nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên không bao giờ để tiếng đàn piano thôi ngân nga. Những đêm diễn tấu Piano của bà dưới ánh trăng nơi sơ tán đã gieo mầm cho tình yêu âm nhạc cho các con. Giáo sư Trần Thu Hà, con gái cả của bà bồi hồi nhớ lại:
"Sơ tán, bom đạn như thế, giữa ranh giới sống chết rất gần như vậy, nhưng ở làng quê Xuân Phú, Bắc Giang vẫn vang lên những bản nhạc của Chopin, Beethoven…thực sự những người nước ngoài không thể hiểu được. Lúc đó vừa phải nghe máy bay nên tiếng đàn piano rất ảnh hưởng khi mà đánh to cho nên là chúng tôi chủ yếu học buổi tối.
Bà Thái Thị Liên là người mẹ, người thày đầu tiên dạy dỗ hai người con của mình là Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thu Hà và Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn là những nghệ sỹ Piano nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới. Đặc biệt Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin năm 1980 tại Balan. Con gái bà, Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Thu Hà tiếp nối truyền thống gia đình sau này là Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Không chỉ dành công sức tâm huyết đào tạo nhiều thế hệ học trò, nghệ sỹ nhân dân Thái Thị Liên còn chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt trong lĩnh vực biểu diễn. Đó là buổi độc tấu piano đầu tiên của Học viện mà bà đã chơi toàn tác phẩm của Chopin, rồi các chương trình nhạc thính phòng bà độc tấu và hòa tấu cùng các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, khi đã ngoài 90, bà vẫn trình diễn trong các sự kiện lớn của Học viện Âm nhạc. Bà nói, bà là người mẹ hạnh phúc nhất vì có những đứa con đi theo con đường âm nhạc và là nhà giáo hạnh phúc nhất vì đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò trở thành trụ cột của nền âm nhạc nước nhà. Đặc biệt với các con, bà luôn là nhà sư phạm nghiêm khắc. Nhà giáo, Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên kể:
"Hồi ấy thấy Sơn (Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn) có năng khiếu nên tôi dạy cho Sơn cả hai giáo trình, một giáo trình của khoa Piano, bên cạnh đó là các chương trình các bài khó, Sơn chơi đàn có chỗ nào không tốt thì góp ý thôi, chứ không bao giờ khen. Sơn mấy lần đi thi, đánh tốt thì các giảng viên khác đều khen, chứ mẹ thì không khen”
Trong câu chuyện của mình, bà rất tự hào khi đại gia đình của bà đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt con trai bà Nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ biểu diễn Piano nổi tiếng trên thế giới Đặng Thái Sơn đã làm rạng danh cho đất nước.
Bà cũng rất vui khi trường âm nhạc Việt Nam bây giờ đã phát triển rất đồ sộ và tin tưởng sau này Việt Nam sẽ có nhiều nghệ sĩ tầm quốc tế hơn nữa.