Thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định

(VOV5) - Tại tỉnh Bình Định, có một Bảo tàng mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, vị lãnh đạo của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thế kỷ 18. Nơi đây còn lưu giữ, trưng bày những hiện vật quan trọng liên quan đến phong trào Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất Nam Trung bộ này.

Thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định - ảnh 1
Khuôn viên bảo tàng

Từ thành phố Quy Nhơn đi về hướng tây hơn 40 km là tới thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quê hương của 3 anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Bảo tàng được khánh thành năm 1978 theo lối trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan. Đây là bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất của Việt Nam. Trong khuôn viên bảo tàng, điện thờ Tây Sơn là điểm đầu tiên du khách đến để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tới các anh hùng áo vải Tây Sơn. Ông Trần Ngọc My, người trông coi điện thờ, cho biết:  “Điện Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Trong điện thờ có khoảng 10 bàn thờ, chính giữa là thờ cộng đồng thờ chung cho tổ tiên dòng họ ba anh em nhà Tây Sơn. Ba anh em nhà Tây Sơn được thờ chính giữa gọi là Tây Sơn Tam Kiệt, còn lại tả hữu thờ võ tướng anh em nhà Tây Sơn. Tây Sơn điện thờ cả triều đại nhà Nguyễn Tây Sơn”.

Thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định - ảnh 2
Giếng cổ Tây Sơn

Phía ngoài điện thờ hiện vẫn còn cây me và giếng nước có tuổi đời trên dưới 300 năm. Cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc. Chiếc giếng cổ vẫn cho nước trong vắt, mát lành. Anh Đặng Công Lập, nhân viên bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Trước đây giếng không có thành mà mấy lớp đá ong phía trên này mới xây sau. Trước đây cả xóm này đều sử dụng nước của giếng này. Loại đất đá ong này ở đất Tây Sơn rất nhiều, khi đưa xuống môi trường nước nó lọc nước cũng rất tốt. Xây thành Hoàng Đế cũng sử dụng chính nguyên vật liệu này”.

Vào khu nhà trưng bày hơn 11.000 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế của Triều đại Tây Sơn của bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ hiểu hơn về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhiều hiện vật gốc được giữ gìn nguyên vẹn như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn… Anh Lập giới thiệu: “Bia mộ của ông nội ba anh em Tây Sơn được tìm thấy năm 1990 ở Phú Lạc. Bia có hình rồng chầu, được dựng năm Kỷ Hợi”.

Thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định - ảnh 3
Biểu diễn võ thuật tại bảo tàng

Biểu diễn võ thuật và trống trận Quang Trung có thể xem như là hai di sản phi vật thể của Nhà Tây Sơn thu hút du khách. Vì vậy khi đến Bảo tàng Quang Trung du khách sẽ được thưởng thức tiếng trống trận này. Bà Võ Thị Thuận, nghệ sĩ từng làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước, là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn, cho biết: “Trong bài trống đó có 3 hồi. Hồi thứ nhất là xuất quân, hồi thứ 2 là hãm thành và hồi thứ 3 là khúc hải hoàn. Hồi thứ nhất nhịp khoan thai, chậm rãi, tập hợp lực lượng nghĩa quân chuẩn bị xuất phát lên đường. Hồi thứ 2 nhịp trống dồn dập rất là nhanh, hùng mạnh. Hồi thứ 3 là khúc hải hoàn nên nhịp trống vui tươi”.

Ba anh em nhà Tây Sơn, tiêu biểu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã đưa phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trở thành phong trào giải phóng dân tộc, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc trong những năm từ 1788 đến 1802. Ông Nguyễn Đức Trí, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến thăm Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ: “Từ trước đến nay lớn lên đi học tôi chỉ biết qua sách vở. Vào đây tôi biết thêm những cái lớn hơn về thực tế để soi rọi thêm kiến thức của mình, về nguồn gốc về sự phát triển của phong trào Quang Trung để rồi tôi nói lại với con cháu chúng tôi biết rõ hơn về truyền thống của dân tộc Việt Nam”.

Bảo tàng Quang Trung không chỉ là một Di tích lịch sử mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của Bình Định. Đến đây, du khách như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công lừng lẫy của Quang Trung- Nguyễn Huệ./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác