Tình yêu với quê hương của một người con đất Việt

Tình yêu với quê hương của một người con đất Việt - ảnh 1
Bảo tàng khủng long ở tỉnh Kalasin. Ảnh minh họa. Nguồn Internet


(VOV5) 
Là thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên  trên đất nước Thái Lan, nhưng lúc nào, ông Đoàn Văn Vi cũng tự hào mình là người Việt. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng với mong mỏi giúp bà con hướng về cội nguồn. Những việc làm của ông xuất phát từ“Tình yêu với quê hương của một người con đất Việt”.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Gặp ông Đoàn Văn Vi, không ai nghĩ ông đã là thế hệ người Việt thứ ba sinh ra và lớn lên trên đất nước Chùa Vàng bởi vốn tiếng Việt của ông còn khá chuẩn. Ông bà nội ngoại và cha mẹ của ông đều sinh sống ở mảnh đất Kalasin, một tỉnh nhỏ ở đông bắc Thái Lan. Ở tuổi 60, điều mà ông Đoàn Văn Vi luôn trăn trở là làm sao để cho thế hệ sau hiểu về nguồn cội và giữ được tiếng Việt. Khó khăn lớn nhất để tập hợp được người Việt ở Kalasin vào tổ chức Hội cũng chính là lý do ngôn ngữ thì đây là điều mà ông Đoàn Văn Vi làm được. Tự học tiếng Việt và giúp đỡ cho thế hệ sau nói tiếng Việt là suy nghĩ của ông:
“ Thực ra tôi cứ học, tự học và đọc, không có lớp học nào đâu. Bố mẹ dạy, rồi học với  anh em, kiếm sách, làm việc cũng học rồi công tác.  Bây giờ ở Kalasin có người cũ, trên 60 tuổi, về đi học lớp dạy tiếng Việt ở Quảng Bình 50 ngày để mở lớp dạy tiếng Việt cho người lớn. Có 10 người đi học.  Các thầy đến nhà tôi yêu cầu tôi giúp đỡ và tôi  giới thiệu cho các giáo viên dạy tiếng Việt”.


Tham gia các hoạt động chung, ông Đoàn Văn Vi đã được bà con tin cậy và giao trọng trách là Chủ tịch Hội người Việt tại Kalasin. Trên cương vị này, ông càng có điều kiện để giúp đỡ người Việt đang sinh sống ở đây và mục tiêu cuối cùng là gắn kết bà con:
“ Hội tổ chức lên vận động bà con đoàn kết, hướng về Tổ quốc, thương yêu đùm bọc nhau, tương trợ nhau. Hội dành được tiền mua đất . Cũng có tham gia các hoạt động giúp đỡ nạn nhân da cam, tham gia hội chợ, góp đồ đi tặng, giúp ngày công bán vé…Tết cũng tổ chức, mùng 2-9 tổ chức tiệc. Cũng có múa hát của phụ nữ, theo kiểu Thái và  Việt Nam. Bà con đến tham dự rất vui".


Nhờ có Hội, đời sống tinh thần của bà con được nâng lên.  Hàng trăm gia đình người Việt sinh sống ở Kalasin bằng nghề buôn bán, chủ tiệm, cơ khí… đã có cuộc sống ổn định. Bà con tham gia tổ chức Hội ngày càng nhiều. Tới nay, đã có khoảng 200 hội viên. Điều mà ông Đoàn Văn Vi tự hào  mặc dù là tỉnh nhỏ, nhưng Kalasin đã thành lập được tổ chức Hội tương đối sớm so với nhiều vùng khác. Không nói ra, nhưng mọi người đều biết, trong thành công chung, có sự đóng góp không nhỏ của ông, người luôn chú tâm cho công tác xã hội. Ông tâm sự, nói là say mê hoàn toàn thì không đúng mà chính là do truyền thống của những người đi trước:
“Nói là say mê hoàn toàn cũng không đúng đâu mà do truyền thống của những người đi trước. Chúng tôi có sức mạnh của những người cũ để lại. Tới nay, Hội có 23 nhân viên lãnh đạo, thành lập được nhà chức trách cung cấp giấy phép. Tước khi thành lập Hội đã có cộng đồng rồi nhưng về sau đại sứ khuyên nên thành lập Hội. Với tỉnh nhỏ mà thành lập được coi như là rất tốt. Mình nghĩ thế hệ sau kém về tiếng, ngôn ngữ thì phải có lớp dạy thế hệ lớn rồi sau cho thế hệ nhỏ”.


Ông kể, bà con vui vì được tham gia hoạt động chung và mình cũng vui vì nhìn thấy, qua tổ chức Hội, bà con có chỗ dựa, có nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm. Bà con lại có niềm vui chờ đợi mỗi dịp  lễ, tết để cùng nhau hướng về quê hương. Với ông, tình cảm của những người con xa xứ rất khó diễn tả, đơn giản thôi nhưng  sâu sắc./.




Phản hồi

Các tin/bài khác