Trường Sa - một lần để nhớ

(VOV5) - Chưa khi nào có một chuyến “hành quân trên biển” lại hội tụ tính đại đoàn kết dân tộc mạnh mẽ và sâu sắc như chuyến hành trình trên con tàu HQ 571 trong tháng 4 vừa qua. Lần đầu tiên trên một chuyến tàu ra Trường Sa có sự hiện diện của đoàn kiều bào tiêu biểu của trên 20 quốc gia trên thế giới, các chức sắc 6 tôn giáo của Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, ban ngành. 


Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 1
Tàu số hiệu HQ 571 mang tên "Trường Sa". (Ảnh: Trần Bằng)


 Đối với những người lần đầu đi Trường Sa, mọi thứ đều lạ lẫm ngay từ ngày đầu bước chân lên chiếc tàu mang tên Trường Sa sừng sững đậu tại quân cảng Cát Lái, Thành phố HCM. Anh Lê Văn Út, Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện tâm sự: "Lần đầu tiên tôi được đi Trường Sa. Không tưởng tượng mình được tham gia trong chuyến đi này. Ngay từ lúc mới lên tàu, bước lên tàu có cảm giác gì đó thôi thúc thúc giục rất phấn khởi phấn chấn".

Tâm lý vui sướng và phấn chấn ấy còn tiếp tục theo anh Út cũng như các thành viên trong đoàn suốt cả chặng hành trình chín ngày thăm đảo Trường Sa. Xúc động lắm khi tới thăm các anh lính đảo, được tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt đời thường và cũng càng thêm cảm phục các anh dù ở nơi đầu sóng ngọn gió vẫn giữ vững niềm tin, chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Bài thơ “Trường Sa và nỗi nhớ” nói hộ tình cảm của người con xa quê hương, giờ đang sống tại Campuchia, ông Thái Bá Y, dành cho các chiến sĩ hải quân. Bài thơ có đoạn: "Tình yêu người lính gác biển xa/ Thắm đượm tình quê lắm đậm đà/ Hi sinh đứng gác ngoài biển đảo/ Xây dựng mỗi ngày đảo lớn ra. Đến thăm người chiến sĩ Trường Sa/ Thương anh người lính đảo xa nhà/ Quanh năm canh giữ ngoài biển cả/ Giữ biển giữ trời Tổ quốc ta".

Ba lễ tưởng niệm và hai lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với sự góp mặt của các cao tăng ở nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Phật, đạo Công giáo, Tin Lành, đạo Cao Đài, đạo Hồi và đạo Hòa Hảo đã thắp lên ngọn lửa ấm, xoa dịu nỗi đau, nguyện cầu cho các anh linh được mãi siêu thoát.


Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 2
Một hoạt động tại Lễ bắc cầu 


Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 3
Tăng ni, phật tử chuẩn bị thả đèn hoa đăng trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ


Hòa thượng Thích Tâm Sang, thuộc Tỉnh hội phật giáo Bình Thuận tâm sự :“Chuyến hành trình này thể hiện tinh thần tri ân và báo ân. Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong chuyến đi này là một trong tứ ân của phật giáo. Chuyến đi này nói lên một ý nghĩa vô cùng cao cả và thiêng liêng. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho đoàn công tác thấy được đời sống của anh em chiến sĩ hải quân ở hải đảo đã hi sinh thầm lặng, tạo điều kiện cho mọi người làm một việc tâm linh để thể hiện được tình cảm của dân tộc đối với người còn cũng như những người đã khuất vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì tinh thần con lạc cháu Hồng".

Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 4
Đại tá Đỗ Minh Thái trong buổi lễ tưởng niệm


Đối với ông Issa Tâm, đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo Việt Nam ở Ninh Thuận, lời của đại tá Đỗ Minh Thái trong diễn văn tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong khu vực Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa vẫn cứ xoáy sâu trong tâm khảm:
 “Suốt cuộc đời vẫn còn đọng, vẫn nằm sâu đậm trong chúng tôi khi nghe các bài diễn văn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc để bảo vệ biển trời, lãnh hải của Việt Nam. Từ cái đó, chúng tôi biến sự đau thương thành hành động bằng cách hướng về về Trường Sa và các chiến sĩ Hải quân". Ông Issa Tâm nói: "Nếu không được đến tận nơi thì mãi mãi chỉ biết đến Trường Sa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặt chân trên mảnh đất thiêng, xác nhận là chủ quyền của Việt Nam, mới thấy hình ảnh của các cán bộ, chiến sĩ hải quân kiên cường để bảo vệ biển trời lãnh hải của đất nước". Riêng ông Nguyễn Công Trung, người Việt ở Hà Lan, ở tuổi 80, ra thăm các anh lính đảo, mắt lấp lóa sau gọng kính, nghẹn ngào không nói lên câu.

Phút chia tay bịn rịn và đầy lưu luyến ở Trường Sa Lớn, trao gửi tình cảm thân yêu của đất liền, của bà con kiều bào trên khắp thế giới đến các anh lính đảo. Từ trên mạn tàu Trường Sa, một người khum tay làm loa bắt nhịp, cả đoàn hòa giọng hát vang những bài ca về biển đảo, về người chiến sĩ hải quân.


Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 5
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chào từ biệt các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa lớn

Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 6
Quân và dân đảo Trường Sa lớn chia tay đoàn công tác

Trường Sa - một lần để nhớ - ảnh 7
Lưu luyến không muốn rời xa

Hồi còi dài báo hiệu ra khơi, mà những tiếng hô “Trường Sa, Trường Sa” vẫn ngân lên, vang xa cùng sóng nước. Mọi người cùng chung niềm hẹn ước của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: “Sang năm, chúng tôi mong muốn lại có những chuyến tàu đại đoàn kết dân tộc lớn hơn, tình nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn tới huyện đảo Trường Sa để cùng các cán bộ, chiến sĩ chia sẻ vinh dự trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải thềm lục địa của Tổ quốc”./. 


Nhấn để nghe âm thanh:



Phản hồi

phương

nếu nhà nước có thể tổ chức 1 chuyến đi thăm trường sa tôi xin được đi, tôi ko sợ sóng gió, ko... Xem thêm

phương

tôi muốn đi trường sa thì lám sao đi? tình hình là tôi nghĩ hè được 1 tháng 7, nhưng lại ko biết làm sao... Xem thêm

Các tin/bài khác