Tác phẩm được gửi để hưởng ứng tinh thần "Đây biển Việt Nam" với những hình ảnh chân thực và xúc động, như thể Trường Sa xa mấy cũng thật gần.
Nhạc sĩ Vũ Duy Cương, nhạc sĩ của "Cánh cò bên nôi", "Tưng bừng cùng ngày hội non sông" đã không thể ngồi yên nơi đất liền trong những ngày biển nổi sóng. Ông ra tận Trường Sa, gặp gỡ những người lính biển để mang về những xúc cảm chân thực cho bài hát của mình.
|
Hình ảnh trong clip "Phía ấy Trường Sa"
|
"Phía ấy Trường Sa" đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy; trước cảm thức với biển trời, với màu xanh áo lính, với cuộc sống thiếu thốn tình cảm và đương đầu với sóng gió của những người lính trẻ đang ngày đêm bám biển. Không được viết với một nhịp nhanh hùng tráng, bài hát là những suy nghĩ, tình cảm đã được lắng đọng qua nhiều ngày tháng, chỉ còn lại tình yêu và sự sẻ chia.
Ông tâm sự: "Bài hát được viết nhân dịp tôi đi thăm Trường Sa. Qua bài hát, tôi muốn gửi gắm những tình cảm nơi đất liền, và những lời nhắn nhủ tới các chiến sĩ. Ngoài việc bám sát nhiệm vụ và nắm chắc tay súng, những người lính trẻ còn nỗi nhớ quê hương, nhớ người yêu, nhớ bạn bè. Vì vậy, ngoài viết cho giọng đơn ca nữ của Hồng Nhung, tôi còn dựng cho tốp nữ. Với những giọng ca của chị em, sẽ gửi gắm ra tình cảm ra tới đảo, mong các chiến sĩ yên tâm, vững tay súng bảo vệ chủ quyền đất nước".
|
Không cầu kì về câu chữ, nhưng lời hát là sự vững tin của người con gái dành cho anh - người đã gác lại cuộc sống riêng tư nơi đất liền để bước ra đảo tiền tiêu Tổ quốc: "Dịu êm, nơi ấy là tình anh, nơi ấy là biển xanh, là ngôi sao tỏa sáng với đảo thép là nhà".
Chọn một dấu lặng da diết cho bài hát của mình, nhạc sĩ chia sẻ: " Giữa quân và dân có sự gắn bó máu thịt, gửi gắm tình cảm thương yêu, chứ không phải là hô khẩu hiệu. Cảm xúc ập tới khi con tàu lênh đênh giữa đại dương. Màu xanh của đảo, màu xanh của biển đã trở thành những tứ nhạc êm đềm, chắp cánh cho tác phẩm của tôi"
|
|
Phần hình của bài hát được dựng hết sức chân thực và xúc động, sử dụng những đoạn phim tài liệu đẹp và có giá trị về hoạt động của những người lính nơi đảo. Những thước phim như những lát cắt của cuộc sống các anh. Một thời khắc chia ly ở đất liền, người con thu mình bên cha; bầu không khí bịn rịn mà tấp nập nơi cầu cảng; những lúc biển cồn cào sóng lớn; những giờ phút giản dị vận chuyển quân lương. Trong một khoảng lặng, người lính cởi bỏ quân phục, lướt những ngón tay trên dây đàn guitar và bâng khuâng nỗi nhớ đất liền.
Giữa biển trời xanh ngắt, màu cờ đỏ cứ tung bay kiêu hãnh, thân thuộc và ấp ủ những mến thương.
Theo Van Sam/vietnamnet