Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi đất lành chim đậu

(VOV5) - Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng Quốc tế đặc biệt) là nơi cư trú của những loài chim nước-Ramsar, Iran, vào năm 1989.

Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận đây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điểm du lịch sinh thái lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và sống với thiên nhiên hoang dã. 

Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi đất lành chim đậu - ảnh 1
Cò thìa ở vườn quốc gia Xuân Thủy (Ảnh: dulich24.com.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng Đông Nam, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định nổi tiếng bởi điều kiện tự nhiên và nơi sinh sống của hàng trăm loài thực vật, động vật quý. Cấu trúc địa lý đặc biệt đã hình thành nơi đây thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Ông Nguyễn Phúc Hội, Phó giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, cho biết: "Vuờn Quốc gia Xuân Thủy có đặc trưng nhất là vườn quốc gia đất ngập nước cửa sông ven biển, có hệ sinh thái đặc thù là hệ sinh thái miền Bắc Việt Nam ven biển. Vườn  bao gồm cánh rừng ngập mặn, bãi giang triều, các lạch, phá, các cồn cát…".


Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng, nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Riêng diện tích vùng lõi 7.100 ha, là nơi sinh sống của 120 loài thực vật, hơn 500 loài động vật và 30 loài bò sát và lưỡng cư. Sự kết hợp phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng ven biển đã biến khu vực này thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.


Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi đất lành chim đậu - ảnh 2
Vùng đất ngập nước vườn quốc gia Xuân Thủy (Ảnh: dulich24.com.vn)


 Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc chọn vườn quốc gia Xuân Thủy để dừng chân, kiếm ăn. Trong số hơn 200 loài chim có mặt tại vườn quốc gia, có nhiều loài chim có tên trong sách đỏ quốc tế.  Có nhiều thời điểm, Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi trú ngụ của hơn 40 ngàn loài chim. Ngoài ra khu rừng sú vẹt Xuân Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá... Dưới nước là các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò... là nguồn thức ăn phong phú của các loài chim. Vào mùa hoa sú vẹt, hương thơm tỏa mát là dịp hội tụ của những đàn ong mật. Anh Nguyễn Văn Trường, cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy, giới thiệu: "
Từ trụ sở Ban quản lý vườn quốc gia Xuân Thủy ra 3,5km là đến vùng lõi. Trên  đoạn 3,5km chủ yếu là vùng đệm, là hệ sinh thái đầm tôm, quản canh, dân đấu thầu để nuôi trồng thủy sản: tôm cua, cá. Xuân Thủy nổi tiếng với rất nhiều loài chim di cư đến đây ghi trong sách đỏ".


Đến Xuân Thủy du khách được sống trong không gian bao la của đất trời, mây nước; hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn chim trời: sếu, cò, giang, bồ nông, ngỗng, vịt trời và nhiều loài chim khác đang cần mẫn kiếm mồi hoặc bay lượn tung tăng. Anh Nguyễn Văn Trường cho hay:
 "Bây giờ đang mùa của chim di cư. Các loài chịm di cư từ phương Bắc xuống phương Nam, Xuân Thủy là địa điểm trú đông của nhiều loại chim nước. Hiện tại mấy năm vừa rồi, Xuân Thủy ghi nhận từ 40-45 cá thể. Ngoài ra có nhiều loài chim nước khác như vùng đệm là nơi cư trú của nhiều loài vịt. Xuân Thủy có 7-8 loài vịt khác nhau. Còn ở khu vực bãi cát thì nơi lưu trú của những loài chim ven bờ".


Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi đất lành chim đậu - ảnh 3
Vườn quốc gia Xuân Thủy (Ảnh: dulich24.com.vn)


Mỗi mùa ở Xuân Thủy đem lại những trải nghiệm khác nhau. Mùa hè và mùa thu đến Xuân Thủy để tận hưởng những con gió mát từ biển và vẫn có thể xem những loài chim di trú tránh nóng đến từ Nam Bộ và Campuchia như Giang Sen, Bồ nông. Đến Xuân Thủy mùa đông thì sẽ tận mắt chứng kiến rợp trời các loài chim, những đôi cánh trắng chao nghiêng trên nền trời xanh biếc. Chị Thanh Lan, khách du lịch ở Hà Nội, chia sẻ:
 "Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nhìn thấy những loài chim rất là lạ ở một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như thế này".


Không còn gì thú vị hơn khi được đi giữa vùng Ramsar. Ngoài việc quan sát nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào sách Đỏ, bạn còn được đắm chìm trong không gian biển trời mênh mông, với rừng ngập mặn bạt ngàn, rừng phi lao xanh ngắt và phủ xanh mặt đất là loài rau muống biển nở rộ hoa màu tím đơn sơ mà đằm thắm của miền quê Giao Thủy, Nam Định.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác