Xứng danh anh hùng

Xứng danh anh hùng - ảnh 1
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp tại lễ trao giải Vinh Quang Việt Nam

(VOV5)- Bằng nỗ lực và tinh thần tiên phong vượt khó, lập chiến công trong bối cảnh tràn ngập khó khăn, thách thức với ngành xây dựng cả nước, Chủ tịch kiêmTổng giám đốc Tổng Công ty 36 Bộ quốc phòng, Đại tá anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Đăng Giáp được ghi danh trong hàng ngũ các cá nhân tiêu biểu trong chương trình “Vinh Quang Việt Nam”. Bấm để nghe nội dung âm thanh bài viết:


Có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận để viết nên chân dung người anh hùng.Với tôi, Đại tá quân đội, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới theo quyết định 1538 do Chủ tịch nước trao tặng ngày 11/9/2010 là một con người bình dị, thông minh, chân tình và quyết đoán. Những công trình của Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng khắp mọi miền đất nước: Hội trường Bộ Quốc phòng, đường tuần tra biên giới,các toà nhà đa năng của các trường Đại học  các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện …dường như đều in đậm dấu ấn cá nhân của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp.Từ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ ở cung đường 20 - Quyết Thắng, đến thời bình làm giám đốc xí nghiệp, giám đốc Công ty, rồi Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 ở mỗi thời kỳ, mỗi chức danh… phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ luôn thể hiện rõ trong ông.

Tính quyết đoán  để tìm ra giải pháp thi công, biến điều không thể thành có thể hình như không có giáo trình xây dựng nào thuyết giảng. Giáo sư tiến sĩ Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân kể về vai trò cá nhân của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp ở vị trí nhà thầu thi công xây dựng toà nhà đa năng:“Đây là người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà. Cụ thể, nhà trung tâm đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân là dự án phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, một công trình lớn của ngành giáo dục đào tạo. Khi thi công thực hiện gói thầu tầng hầm và móng của nhà trung tâm, tôi thấy đây là một người chịu khó, năng động, sâu sát. Anh Giáp đã tìm ra giải pháp thi công thay thế  giải pháp tường vây bằng giải pháp công nghệ hiện đại. Khi tôi làm việc với thiết kế tư vấn Pháp thì ông này nói đây là một giải pháp hết sức hiệu quả và an toàn. ”

Xứng danh anh hùng - ảnh 2
Công trình xây dựng thủy điện Khe Bố

Tôi còn nhớ mãi những lời tự sự của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp trong một đêm mưa rừng ở miền Tây Nghệ an, trên công trường xây dựng thuỷ điện Khe Bố mà Công ty 36 lúc đó làm tổng thầu :” Cha tôi là nhà giáo, nên truyền dậy cho tôi và các em tôi đạo lý làm người phải đứng thẳng lưng, mình luôn phải là mình”. Phải chăng nếp nhà và bản lĩnh người chiến sĩ đã tạo nên tính cách của người anh hùng Nguyễn Đăng Giáp.Với bản tính bộc trực, ngay thẳng, lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ về công việc nên đôi khi ông trở thành kẻ : “ Trung ngôn, nghịch nhĩ ” đối với cấp trên và đối tác, như lời nhận xét của nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Gặp Giáp có thể không thuận tai, nhưng được việc”.

Trong vòng 3 năm, từ 1 doanh nghiệp sắp giải thể dưới sự chèo lái của ông, giá trị sản lượng của công ty đạt được tăng theo cấp số nhân gấp 10 lần. Nợ nần được thanh toán, bộ đội, công nhân không thiếu việc làm, doanh nghiệp có bước chuyển mới: cấp trên cho nâng cấp xí nghiệp 36 thành Công ty 36 và chỉ vài năm sau đã thành một thương hiệu lớn của ngành xây dựng Việt Nam. Ông Giáp chia sẻ: “Thực sự mà nói 36 có được như ngày hôm nay, đấy là một chiến lược phát triển từ 5, 7 năm về trước. Chúng tôi đã có những bước đột phá. Thứ nhất là về con người, về thiết bị, về khoa học công nghệ, luôn luôn điều chỉnh phương pháp quản trị phù hợp. Trước đây, khi còn ở công ty thì chúng tôi thực hiện điều hành trực tuyến, khi lên tổng công ty, chúng tôi phải quay về giao cái chức trách, nhiệm vụ đấy cho công ty con chứ không phải điều hành trực tuyến là một vấn đề mà cứ trước như thế nào thì bây giờ phải giữ mà phải biết điều chỉnh cho phù hợp. ”

Là thương binh hạng 4/4, bằng sức mình, ông đã huy động đồng chí, đồng đội, trong 5 năm gần đây xây dựng trên 50 nhà tình nghĩa, tặng trên 300 sổ tiết kiệm, sửa sang, tôn tạo hàng trăm con đường, trạm y tế, trường học, tượng đài liệt sĩ… với số tiền gần 25 tỷ đồng. Ông Giáp tâm sự: “ Cứ gần đến ngày thương binh liệt sĩ thì với người lính chúng tôi vẫn canh cánh nỗi niềm: quân đội có chiến lược xây dựng kinh tế quốc phòng an ninh. Quân đội làm kinh tế tức là biết kế thừa, phát triển chính sách ngụ binh ư nông. Thứ 2 chính là giữ gìn tiềm lực quốc phòng, thỏa mãn 3 yêu cầu: điều kiện chính trị, kinh tế và an sinh xã hội.”

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp luôn cho rằng những thành tích ông có được ngày hôm nay không chỉ do bản thân ông cố gắng, phấn đấu mà đó còn là công sức, sự cống hiến, đóng góp của bao anh em cán bộ, công nhân ngày đêm dãi dầu mưa nắng nơi công trường. Ông luôn khuyến khích đội ngũ kỹ sư tự nâng cao trình độ cũng như quan tâm, chăm lo đến đời sống của họ. Đại úy Đặng Thái Hùng, chỉ huy công trình Ban A của Đảng kể về người chỉ huy của mình với đầy vẻ ngưỡng mộ: “ Là một người lính, khả năng làm việc của đại tá Giáp gần như là vô tận. Ngày xưa nếu như chỉ có một vài công trình thì bây giờ là hàng trăm công trình nhưng ông  vẫn thế, vẫn suốt ngày rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc. ”

Với người anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng các công trình, gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp, đồng nghĩa với đời sống vật chất tinh thần của hàng nghìn lao động và cả vạn thân nhân của cán bộ, chiến sĩ  đơn vị. Ông tâm niệm rằng: việc giành được danh hiệu đã khó, nhưng giữ vững và phát huy được danh hiệu còn là việc khó hơn. Phẩm chất này  được xã hội ghi danh : Xứng danh anh hùng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác