Chuyển biến tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

(VOV5) - Đến nay, nhiều căn nhà mới đã được hoàn thành, nhiều căn nhà khác đang được khẩn trương xây dựng.

Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm sau. Đến nay, nhiều căn nhà mới đã được hoàn thành, nhiều căn nhà khác đang được khẩn trương xây dựng, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.

Chuyển biến tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - ảnh 1Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu chung tay xóa nhà tạm cho các hộ nghèo vùng biên giới - Ảnh: VOV

Việt Nam hiện còn khoảng trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Niềm vui trong những căn nhà mới

Những ngày cuối năm, chị Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Ca Dong ở thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, vừa được bàn giao căn nhà mới. Khó có thể tả hết niềm vui, hạnh phúc của người phụ nữ một mình nuôi 4 con nhỏ ở nơi vùng sâu này. Chị Hạnh bày tỏ: "Cám ơn Đảng và Nhà nước quan tâm . Nhà này được hỗ trợ theo Nghị quyết. Có nhà ở vui lắm, giờ yên tâm đi làm rồi. Tết năm nay có nhà mới ở, mẹ con chúng tôi cũng an tâm. Trước đây, nhà tôn mùa mưa bão là tốc hết mái, giờ Nhà nước quan tâm có nhà ở che nắng, che mưa nên vui mừng".

Chuyển biến tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - ảnh 2Chị Hồ Thị Hạnh, dân tộc Ca Dong ở thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, trong căn nhà mới khang trang - Ảnh: VOV

Cùng với gia đình chị Hồ Thị Hạnh là 33 hộ đồng bào dân tộc Ca Dong khác tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức đã được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Trong khi đó, ở phía bắc, gia đình anh Giàng A Chinh, bản Dền Thàng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu từng thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà gần 20m2 làm bằng tre, nứa từ năm 2019 đã xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên mưa dột, gió lùa. Nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh đã có căn nhà kiên cố hơn 70m2 để ở. Anh Chính nói: "Sự hỗ trợ của Nhà nước và tôi cũng tích được một ít tiền để làm nhà. Bây giờ được bà con nhân dân hỗ trợ ngày công  nên gia đình cũng làm được một căn nhà kiên cố".

Nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng

Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Kết luận số 97-KL/TW của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025. Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng  làm Trưởng ban cũng đã được thành lập.

Cùng với Trung ương, để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực, như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn; Cao Bằng hỗ trợ trên 3.600 căn; nhiều bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Chuyển biến tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - ảnh 3Trao nhà đại đoàn kết giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tại Đắk Lắk - Ảnh: VOV

Tại Bắc Kạn, từ đầu năm tới nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.800 hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Dự kiến trong năm sau, Bắc Kạn sẽ xóa 3.173 nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí hơn 152 tỉ đồng. Hiện địa phương đang tiếp tục rà soát, bổ sung nhu cầu của người dân.

Bà Đỗ Thị Hiền, Giám đốc Sở lao động, thương binh và Xã hội Bắc Kạn cho biết: "Hiện với hơn 3.000 nhà này, về cơ bản tỉnh bố trí đủ kinh phí cho làm mới hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà và sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà. Ngoài ra tỉnh còn nguồn quỹ Vì người nghèo và số tiền khoảng 100 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, cũng chủ yếu dành cho việc khắc phục thiệt hại về nhà ở. Do đó có thể nói đến thời điểm này nguồn kinh phí cơ bản đáp ứng".

Tỉnh Lai Châu hiện còn gần 3.000 hộ dân cần được hỗ trợ làm nhà, trong đó  cần xây mới là trên 2.200 căn. Trong năm tới, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định là mục tiêu chính trị của địa phương.

Ông Hoàng Kiều Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu, cho biết: "Để huy động thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, MTTQ tỉnh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua. Phương châm là ai có tiền thì góp tiền, ai có công góp công hoặc là góp vật liệu xây dựng. Quyết tâm chính trị của tỉnh đã thể hiện rõ là thực hiện thành công xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn vào năm 2025".

Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo không đơn thuần là sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà mới, mà còn là quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác