(VOV5) - Lòng yêu nước của phát thanh viên “phải chân thành và sâu nặng” thì tiếng nói mới toát ra sức nặng.
NSƯT Trần Phương, người con của miền Tây Nam bộ, là 1 trong 4 giọng đọc miền Nam đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là hiện tượng đặc biệt trong giới phát thanh viên Việt Nam khi là phát thanh viên người miền Nam duy nhất đọc “Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam của Mỹ” và là người đọc bài bình luận đầu tiên vào chiều 30/4/1975 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định với thế giới rằng đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ông tạ thế ngày 22/11/2024, tại Cần Thơ, hưởng thọ 89 tuổi.
Nghệ sỹ ưu tú Trần Phương - Ảnh: VOV2 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ sỹ ưu tú Trần Phương tên thật là Nguyễn Bá Thế, sinh năm 1935. Ông quê ở thành phố Long Xuyên, An Giang, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi.
Là chiến sĩ ngành Quân báo thuộc lực lượng võ trang Tây Nam bộ, năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. 3 năm sau, năm 1957, ông tham gia thi tuyển khóa phát thanh viên do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Với chất giọng thiên phú: trầm ấm, truyền cảm và tròn vành, rõ chữ, ông chính thức được tuyển vào Tổ phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong 37 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (từ năm 1957 đến năm 1994), ông là hiện tượng xưa nay hiếm trong giới phát thanh viên nước nhà. Ông là phát thanh viên người miền Nam duy nhất đọc “Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam của Mỹ” và là người đọc bài bình luận đầu tiên vào chiều 30/4/1975 trên sóng Đài phát thanh quốc gia, khẳng định với toàn thế giới rằng đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.
Ông từng chia sẻ: "Lời tựa của bài bình luận rất tình cảm: “Cả nước ôm hôn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”, độ dài 7 phút. Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm khi ấy nói rằng: bài này là giọng miền Nam, Trần Phương đọc đi. Sau khi đưa tin giải phóng thì bấm phát bài này. Khi đọc, xúc động quá, tôi phải ra hiệu ngưng máy thu, đi ra ngoài trấn tĩnh lại, rồi quay vào đọc tiếp".
Từng có hai năm chiến đấu trên chiến trường, có lẽ bởi vậy mà giọng đọc của NSƯT Trần Phương có một sức lay động đặc biệt tới các chiến sỹ, đồng bào đang chiến đấu tại miền Nam. Ông đã lấy vốn sống, trải nghiệm của mình để tạo ra sức nặng trong giọng đọc. Một nam thính giả bày tỏ: "Với người dân Nam Bộ khi mà nghe được những bài bình luận của anh Trần Phương đọc thì như là động viên, tinh thần hăng hái lên. Bài bình luận như là một Trung đoàn Bộ đội vùng lên, địch rất sợ".
Sinh thời, NSƯT Trần Phương tâm sự rằng một phát thanh viên giỏi phải có bản lĩnh chính trị ở trong giọng nói. Bản lĩnh chính trị ở đây chính là tình yêu nước. Lòng yêu nước của phát thanh viên “phải chân thành và sâu nặng” thì tiếng nói mới toát ra sức nặng. Bởi phát thanh viên là nghệ sỹ nhưng cũng là chiến sỹ. Phát thanh viên của Đài quốc gia mà tình cảm còn lông bông thì không thể nào đọc tốt được. Có một cô du kích ở Trà Vinh viết thư cho tôi rằng: Đêm nào nghe chú đọc, cháu cũng thấy ngày thống nhất gần lắm rồi.
Những người bạn, người em trong tổ Phát thanh viên đã từng gắn bó, làm việc với NSƯT Trần Phương và cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đến thăm ông năm 2022 - Ảnh: VOV |
Có bản lĩnh chính trị rồi, phát thanh viên cần có trình độ văn hóa, vốn sống và một tâm hồn đẹp nữa. Đó là bản lĩnh sống. Bởi, theo ông, đó là những yếu tố quyết định tới trình độ cảm nhận văn bản của một người phát thanh viên. Hiểu được mới đọc được, mới xúc cảm và thu phục người nghe. Các đồng nghiệp vẫn nhớ những kỉ niệm về ông:
"Cái thời khi mà chúng tôi còn đang làm việc thì gặp nhau thường xuyên và tôi rất thích anh người cũng khá nổi tiếng bây giờ đấy nhưng mà lại không gần gũi, thân thiết với mọi người và cái đó nó truyền cảm hứng cho những anh em biên tập viên phóng viên. Mỗi khi đi vào phòng thu mà anh Trần Phương đọc thì biên tập viên, phóng viên hoàn toàn yên tâm là chất lượng tốt. Giọng miền Nam của anh Trần Phương rất hay, đi vào lòng người".
"Ở TOP 1, đều là những người đọc hay cả, mà ông Trần Phương đặc biệt đọc hay ở thời sự, đọc văn nghệ cũng rất tuyệt. Văn bản mà đưa cho những phát thanh viên TOP 1 đọc thì phóng viên mừng lắm, bởi bài viết của mình được nâng tầm hẳn lên".
Cũng bởi giọng đọc quá đặc biệt, NSƯT Trần Phương được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phân công làm chuyên gia trong gần 5 năm, tại Đài Moscow thuộc Liên Xô (cũ). Năm 1993, ông là phát thanh viên miền Nam đầu tiên được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Một năm sau, năm 1994, ông chuyển về công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình Cần Thơ, tiếp tục sự nghiệp phát thanh viên đến ngoài 80 tuổi.
Nghệ sỹ ưu tú Trần Phương cũng đã đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu, trong đó có phim nổi tiếng Chiến thắng Đường 9 Nam Lào. Ông cũng dành thời gian truyền đạt lại những kinh nghiệm của nghề phát thanh viên đến các thế hệ trẻ một cách tỉ mỉ, trách nhiệm đến từng câu chữ.
Bạn Nguyễn Thị Nguyên, thính giả và cũng là học trò của NSƯT Trần Phương, bày tỏ: "Tuổi thơ của mình gắn liền với giọng đọc của thầy Trần Phương. Khi tivi chưa phát triển nhiều, mỗi tối mẹ và mình đều nghe chương trình Đọc Truyện Đêm Khuya của thầy. Gặp được thầy, nghe thầy kể chuyện và chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề, mình thấy thầy rất tâm đắc và luôn giữ được ngọn lửa với nghề".
Gần như cả cuộc đời gắn bó và xuất hiện liên tục trên sóng phát thanh, nghệ sĩ Ưu tú Trần Phương đã để lại sự nghiệp vẻ vang mà không phải phát thanh viên nào cũng có được. Và điều quan trọng nhất, dù đã đi xa, nhưng ông luôn sống mãi trong lòng thính giả cả nước.