(VOV5) - Giọng đọc của họ không chỉ thể hiện sức mạnh của tiếng nói Việt Nam mà còn góp phần đưa hình ảnh của con người Việt Nam đến với người dân khắp nơi trên thế giới.
Trong mỗi chương trình phát thanh nói chung, phát thanh đối ngoại nói riêng, ngoài phần nội dung chương trình, cách truyền đạt thông tin của các phát thanh viên, biên tập viên đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công của chương trình đó. Tại Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam, đã có nhiều thế hệ phát thanh viên, biên tập viên thành công trong việc để lại ấn tượng, chinh phục được thính giả năm châu bằng giọng đọc của mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Thị Ngọ (1930 - 2016), hay còn được biết đến là phát thanh viên Thu Hương là người từng đọc trong chương trình “Câu chuyện nhỏ nói với binh sĩ Mỹ” trên làn sóng của Đài TNVN những năm kháng chiến chống Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Kennedy từng nói về bà, rằng: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Với chất giọng lôi cuốn của mình, bà được mệnh danh là huyền thoại của nền phát thanh Việt Nam nói chung và phát thanh đối ngoại nói riêng.
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966 (Ảnh tư liệu) |
Cùng với phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ, các phát thanh viên qua từng giai đoạn phát triển của phát thanh đối ngoại như: Trần Sinh (tiếng Trung Quốc), Phạm Thị Thi (tiếng Pháp), Nguyễn Thị Tuyết (tiếng Nhật), Nguyễn Thị Quyết Tâm (tiếng Nga), Phạm Đình Quế (tiếng Lào), Nguyễn Bảo Tuấn, Đỗ Văn Loan (tiếng Pháp), Tú Thủy (tiếng Indonesia)… cũng đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với thính giả nước ngoài. Giọng đọc của họ không chỉ thể hiện sức mạnh của tiếng nói Việt Nam mà còn góp phần đưa hình ảnh của con người Việt Nam đến với người dân khắp nơi trên thế giới.
Biên tập viên Tú Thủy có hơn 30 năm gắn bó với chương trình tiếng Indonesia, Ban Đối ngoại (VOV5) – Đài Tiếng nói Việt Nam, được xem là một trong số những phát thanh viên ghi dấu ấn cá nhân trong lòng thính giả. Nhiều thính giả Indonesia cho biết rất bất ngờ khi trên sóng VOV5 có một người có thể nói tiếng Indonesia như người bản xứ, điều này khiến họ thấy rất thú vị và gần gũi.
Biên tập viên, phát thanh viên Tú Thủy khiến thính giả bất ngờ vì có thể nói tiếng Indonesia như người bản xứ - Ảnh nhân vật cung cấp |
Bà Tú Thủy tâm sự: "Ngoài việc giỏi ngôn ngữ mà mình làm việc, mỗi phát thanh viên phải có tình yêu nghề, trân trọng nghề và chung thủy với nghề. Khi bạn yêu nghề, nghề không phụ. Tôi đem đến làn sóng phát thanh tình yêu và nhận lại là tình cảm của các bạn thính giả từ quốc gia vạn đảo, nơi cách xa Việt Nam hàng ngàn kilomet. Khi bạn yêu một ngôn ngữ nào đó, bạn sẽ tìm hiểu nhiều hơn, gần gũi nhiều hơn với đất nước, con người và văn hóa của đất nước đó. Và tôi nguyện làm một đại sứ ngôn ngữ ở mọi nơi, mọi dịp mà tôi tiếp xúc với người Indonesia. Đó chính là cách làm cho bạn nói hay hơn, đọc hay hơn, chính xác hơn, sẽ giúp cho âm điệu giọng nói của phát thanh viên được chuẩn như bản địa. Từ năm 1987 công tác tại Đài đến nay, mỗi lần ngồi trước mic để đọc, tôi đều cảm giác như trước mặt mình là biết bao thính giả đang ngồi nghe. Vẫn háo hức, vẫn cẩn thận khi đọc".
Ngoài việc giỏi thứ ngữ mà mình thể hiện, các biên tập viên, phát thanh viên đối ngoại luôn trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán, các lĩnh vực trong mỗi tin tức, bài viết mà mình sẽ thể hiện trên sóng. Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Đối ngoại (VOV5) cho rằng: "Trong phát thanh hiện đại, việc thể hiện của người dẫn chương trình đóng vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần làm nên sự thành bại của một chương trình. Thời gian gần đây, VOV5 đã có những gương mặt mới, tuy còn khá trẻ tuổi nhưng cũng đã tạo được phong cách của mình, thu hút được nhiều thính giả và nhận được những hồi âm tích cực từ phía công chúng, bạn nghe đài của nhiều thứ tiếng. Đó là điều rất đáng tự hào. Tuy nhiên, việc để có được những gương mặt có giọng tốt trên sóng là một điều khó bởi 1 giọng nói đảm bảo tiêu chuẩn để lên sóng không phải ai cũng có được, đòi hỏi phải có tố chất và cả sự rèn luyện không mệt mỏi".
Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Đối ngoại (VOV5) – Đài Tiếng nói Việt Nam, nhấn mạnh một giọng nói đảm bảo tiêu chuẩn lên sóng đòi hỏi phải có tố chất và sự rèn luyện không mệt mỏi - Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Những thành công của các thế hệ phát thanh viên đi trước đã được đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên trẻ ngày nay tiếp bước. Những giọng đọc trẻ trung, hiện đại, đầy sức sống của các phát thanh viên, biên tập viên như: Phương Khanh, Kim Chi, Thi Loan, Hương Trà… thuộc các chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Indonesia được các thính giả đánh giá cao bởi lối dẫn tự nhiên, cuốn hút, mỗi người đều để lại những dấu ấn riêng trong lòng thính giả.
Lê Phương Khanh, biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Anh, chia sẻ trong 8 năm làm nghề, thường xuyên dẫn các chuyên mục về đời sống, văn hóa giải trí… cô luôn cố gắng xây dựng hình tượng một cô phát thanh viên trẻ, luôn tràn đầy năng lượng, gần gũi với thính giả. Đây cũng là bí quyết để Phương Khanh giữ được thính giả gắn bó với chương trình và giành được những thành công trong nghề. Đặc biệt, Phương Khanh từng 2 lần đạt giải Dẫn chương trình xuất sắc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc các năm 2018 và 2020.
Biên tập viên, phát thanh viên Phương Khanh với phong cách dẫn trẻ trung, tràn đầy năng lượng và luôn gần gũi với thính giả - Ảnh nhân vật cung cấp |
"Công việc khi làm tại Đài không chỉ là phát thanh viên mà còn làm công tác biên tập. Do đó, khi tự biên tập chương trình, tôi đã hiểu rõ những nội dung cần truyền đạt nên khi lên sóng sẽ không quá phụ thuộc vào kịch bản. Khi thể hiện, tôi luôn cố gắng đọc mà như nói. Tôi thấy rằng mình phải rèn luyện kỹ năng này để thính giả khi nghe đài cũng cảm thấy rằng mình đang nói chuyện với họ, giao lưu trên sóng mà không phải là mình đang đọc cho họ nghe. Tôi thấy rằng có 2 bí quyết chính mà tôi đã và đang giữ, cũng như sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa, đó là: thể hiện, xây dựng cho mình hình ảnh ấn tượng và sử dụng giọng nói của mình, kỹ năng mà mình đã được học và rèn luyện qua làm nghề để hấp dẫn thính giả theo cách của mình. Các đồng nghiệp của tôi, những phát thanh viên khác cũng có những cách để giữ thính giả khác nhau và hàng ngày, hàng giờ tôi cũng lắng nghe họ và sẽ tiếp tục học hỏi từ họ những bí quyết để có thể vận dụng trong quá trình làm nghề" - Phương Khanh cho biết.
Trong lịch sử 77 năm hình thành và phát triển, các thế hệ phát thanh viên, biên tập viên Ban Đối ngoại (VOV5) luôn không ngừng nỗ lực mang đến cho các thính giả những chương trình phát thanh tốt nhất. Có thể nói, họ chính là một phần không thể thiếu trong nhịp cầu kết nối Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.